Doanh nghiệp nhỏ và vừa “lúng túng” chuyển đổi số và tiếp cận tín dụng

Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống còn thấp, khoảng 25%. Còn lại 75% là tiếp cận từ các nguồn khác, như bạn bè, gia đình và vay ngoài ngân hàng.

Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, ngày 26/7.

Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Nguyễn Việt
Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Nguyễn Việt

Theo bà Bùi Thu Thuỷ, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang rất lúng túng với chuyển đổi số cũng như tiếp cận tín dụng. Cụ thể, về vấn đề chuyển đổi số có 4 thách thức doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay.

Thứ nhất, chi phí đầu tư cần thiết cho chuyển đổi số cao.

Thứ hai, hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp còn hạn chế, trong khi đó xu hướng công nghệ cập nhật, đổi mới liên tục, tâm lý ngại đổi mới của doanh nghiệp.

Thứ ba, quy trình tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, quản lý chuỗi cung ứng chưa chuẩn hoá, thiếu chiến lược và nhân sự xây dựng quy trình vận hành chuẩn.

Thứ tư, nguồn nhân lực chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu tiếp cận kiến thức, thông tin về chuyển đổi số cũng như linh hoạt trong điều chỉnh văn hoá tổ chức, nhận thức về chuyển đổi số.

Đặc biệt, tại Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, các doanh nghiệp cũng lo ngại về rò rỉ dữ liệu cá nhân trong qúa trình chuyển đổi số.

Cùng với đó là sự thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động, khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số…

Đối với tiếp cận tài chính, bà Bùi Thu Thuỷ đánh giá, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống còn thấp, khoảng 25%, còn lại 75% là tiếp cận từ các nguồn khác như từ bạn bè, gia đình và các nguồn vay ngoài ngân hàng.

Có 4 thách thức trong chuyển đổi số doanh nghiệp đang phải đối mặt. Ảnh: Nguyễn Việt

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng là do năng lực tài chính của các chủ doanh nghiệp chưa cao, vì hạn chế về quản lý dòng tiền, minh bạch chứng từ, báo cáo tài chính.

Cùng với đó, doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, về phương án kinh doanh khả thi, lịch sử trả nợ và các điều kiện, thủ tục vay vốn khác.

Trước nhu cầu và sự cần thiết này, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với USAID thông qua Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME), triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kết quả, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.

Cục Phát triển doanh nghiệp và Dự án USAID LinkSME cũng đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, 14 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD.

“Trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Dự án sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy và mở rộng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tài liệu hóa và nhân rộng mô hình hỗ trợ thành công trên phạm vi toàn quốc”, bà Thuỷ nói.
diendandoanhnghiep.vn