Nhận thức chung về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một thuật ngữ mới xuất hiện ở nước ta thời gian gần đây, lần đầu tiên được định nghĩa chính thức trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một thuật ngữ mới xuất hiện ở nước ta thời gian gần đây, lần đầu tiên được định nghĩa chính thức trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.[1] Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cũng như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa được nghiên cứu sâu dưới góc độ pháp lý. Trong khi đó, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phổ biến hơn với nhiều hình thức đa dạng, và đang nhận được nhiều kỳ vọng, sự quan tâm trong chính sách phát triển doanh nghiệp. Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy... khởi nghiệp sáng tạo” nhằm “phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của. hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm”.[2]

Bài viết tập trung làm rõ một số khía cạnh pháp lý của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và những đặc thù trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Các thuật ngữ “khởi nghiệp”, “doanh nghiệp khởi nghiệp”, “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” mới xuất hiện trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta và được sử dụng trong các văn kiện chính thức trong những năm gần đây. Xét dưới góc độ ngôn ngữ học, “khởi nghiệp” là một từ Hán Việt, theo đó, “khởi” có nghĩa là bắt đầu, “nghiệp” có nghĩa là công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp, nên có thể hiểu “khởi nghiệp” là thuật ngữ chỉ sự bắt đầu sự nghiệp.[3]

Trên thế giới, khái niệm khởi nghiệp đã tồn tại từ lâu với thuật ngữ tiếng Pháp “entrepreneur” (doanh nhân khởi sự). Ngay từ cuối thế kỷ 17, nhà kinh tế học Richard Cantillion đã định nghĩa doanh nhân khởi sự là người đưa ra những quyết định về việc thụ đắc và sử dụng nguồn lực với tâm thế chấp nhận rủi ro một cách mạo hiểm.[4] Mở rộng định nghĩa khởi nghiệp với tư cách là một hoạt động trong chuỗi hoạt động đầu tư kinh doanh (entrepreneurship), vào năm 1990, Stevenson và Jarillo đã đưa ra định nghĩa khởi nghiệp; theo đó, khởi nghiệp là hoạt động tự làm chủ doanh nghiệp - một quá trình mà cá nhân khởi nghiệp xác định rõ và biết theo đuổi, nắm lấy những cơ hội trong nền kinh tế.[5]

Đến cuối thế kỷ XX, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và sự ra đời của nhiều giải pháp kinh doanh mới, thuật ngữ khởi nghiệp được bổ sung thêm và hình thành một thuật ngữ mới, dần được sử dụng một cách phổ thông hơn, là thuật ngữ “start-up”. Thuật ngữ start-up thường được sử dụng để chỉ một doanh nghiệp mới thực hiện hoạt động kinh doanh trên nền tảng sáng tạo, đột phá, đạt hiệu quả cao. European Startup Monitor xác định doanh nghiệp start-up theo các điều kiện: (i) được thành lập trong 10 năm trở lại; và (ii) sử dụng, khai thác công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh sáng tạo; hoặc (iii) có được hoặc phấn đấu có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao hoặc doanh thu cao.[6]

Tiếp cận theo hướng này, khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa “được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”. Như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay start-up có thể được hiểu là một doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo, có hiệu quả kinh tế cao. Khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo pháp luật Việt Nam chính là start-up theo cách hiểu phổ biến trên thế giới. Cũng cần lưu ý thêm, khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được sử dụng không phải để chỉ một hình thức tổ chức pháp lý mới của doanh nghiệp, mà để chỉ một số doanh nghiệp theo tính chất và lĩnh vực hoạt động. Xét về hình thức tổ chức pháp lý, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân và chúng mang đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của các loại hình doanh nghiệp này.
 



Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có một số đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo luôn gắn với những ý tưởng sáng tạo, đột phá. Đây là đặc trưng nổi bật nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo so với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Ý tưởng sáng tạo của quá trình khởi nghiệp sáng tạo rất phong phú, đa dạng, với nhiều phương thức thể hiện khác nhau, nhưng cốt lõi là phải có tính mới. Đó có thể là việc ứng dụng các công nghệ mới; cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới, độc đáo mà thị trường chưa có; ứng dụng mô hình sản xuất, kinh doanh mới hoặc áp dụng những phương thức, giải pháp mới để cải tiến, giải quyết những vấn đề cố hữu của quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, cung ứng dịch vụ... Tính mới này vừa là lý do để khởi nghiệp, vừa là yếu tố đem lại sức cạnh tranh của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khi tham gia thị trường, lại vừa là công cụ để doanh nghiệp thu lợi lớn, tăng trưởng nhanh. Giải pháp sáng tạo, đột phá của doanh nghiệp là thành tố đặc biệt quan trọng, không chỉ phản ánh rõ nét nhất đặc trưng của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mà còn là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp này.

Thứ hai, thông thường, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp mới được thành lập, có thời gian hoạt động chưa lâu. Nhìn chung, trừ một số trường hợp hình thành doanh nghiệp thông qua việc tổ chức lại doanh nghiệp, mọi doanh nghiệp được thành lập và hoạt động đều phải trải qua giai đoạn khởi nghiệp, bất kể hình thức hoạt động, loại hình doanh nghiệp hay ngành nghề kinh doanh nào. Xuất phát từ bản chất của hoạt động khởi nghiệp là gắn liền với trạng thái mới bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp sau khi được thành lập thực chất là để thoát khỏi trạng thái khởi nghiệp, đồng nghĩa với việc có chỗ đứng ổn định trên thị trường.

Bên cạnh đó, do doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo luôn gắn với những ý tưởng sáng tạo, những giải pháp mới nên quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ phải diễn ra nhanh chóng để nắm bắt cơ hội kinh doanh. Thực tiễn cho thấy có nhiều doanh nghiệp start-up bắt đầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường thì chỉ một thời gian ngắn sau đã có doanh nghiệp khác cung ứng sản phẩm, dịch vụ tương tự.[7] 

Thứ ba, hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường phải chịu rủi ro cao. Nhìn chung, giai đoạn mới thành lập của doanh nghiệp thường là giai đoạn khó khăn nhất, do doanh nghiệp mới bắt đầu thâm nhập vào thị trường, chưa có nguồn vốn lớn, chưa có lượng khách hàng và đối tác kinh doanh ổn định, còn thiếu kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp và điều hành kinh doanh. Ngoài những khó khăn chung như các doanh nghiệp mới thành lập khác, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn gặp những khó khăn riêng, như: thử nghiệm mới thường khó thành công ngay từ ban đầu; thị trường không chấp nhận hoặc chậm chấp nhận những sản phẩm, dịch vụ mới; các ý tưởng, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dễ bị các doanh nghiệp khác bắt chước hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì thế, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường gặp nhiều rủi ro về cả khía cạnh kỹ thuật, tài chính và pháp lý. Theo thống kê, có tới 80% các dự án khởi nghiệp thất bại, 25% doanh nghiệp mới không tồn tại quá 01 năm; tỷ lệ này chỉ còn 10% doanh nghiệp tồn tại sau 05 năm và chỉ có 6% trong năm thứ 10.[8]

Nói tóm lại, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một thành tố quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, mạng lưới doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung; có ưu điểm là năng động, sáng tạo, tận dụng được những trào lưu, xu thế kinh doanh mới, dẫn đến tiềm năng phát triển tốt nhưng gặp phải hạn chế là có tính rủi ro cao, trong đó có rủi ro pháp lý.
 

(còn tiếp)
Phan Vũ

[1] Khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 226 và 229.
[3] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2003, tr. 512.
[4] R. Cantillon, “Essai sur la Nature du Commerce en Général”, 1755 (bản dịch tiếng Anh tại Online Library of Liberty, http://oll.libertyfund.org/titles/cantillon-essai-sur-la-nature-du-commerce-en-general--7).
[5] H. H. Stevenson và J. C. Jarillo-Mossi, “A Paradigm of Entrepreneurship: Entrepreneurial Management”, Strategic Management Journal, 11(4), May–June 1990, tr. 23.
[6] T. Kollmann và tgk, “European Startup Monitor 2016”, Startup Monitor, https://duepublico2.unidue.de/receive/duepublico_mods_00043790, tr.15.
[7] Ví dụ, sau khi Uber được thành lập vào năm 2009, hàng loạt các ứng dụng gọi xe tương tự đã ra đời, như: Grab (khu vực Đông Nam Á), Lyft, Curb (Hoa Kỳ), Ola (Ấn Độ), Didi (Trung Quốc), Hailo (Anh, Tây Ban Nha, Singapore), Line Taxi (Nhật Bản), Blue Bird (Indonesia), KakaoTaxi (Hàn Quốc). Riêng ở Việt Nam, ngoài Grab chiếm thị phần lớn nhất thì còn Be, Gojek, MyGo, FastGo, Vato… cùng cung cấp dịch vụ gọi xe.
[8] Theo Diễn đàn đối thoại khởi nghiệp, việc làm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 10/12/2017.