QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT DÂN SỰ VỀ VẤN ĐỀ LÃI SUẤT

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất

1. Quy định của BLDS năm 2015 và pháp luật có liên quan về lãi suất
1.1. Về lãi suất trong hợp đồng vay, BLDS năm 2015 quy định tại Điều 468 như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Với quy định như trên, BLDS năm 2015 đã khắc phục những bất cập của BLDS năm 2005 về lãi suất trong hợp đồng vay như sau:
- BLDS năm 2015 không còn quy định lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố làm lãi suất tham chiếu trong xác định lãi suất trần mà áp dụng mức lãi suất trần xác định hoặc mức lãi suất cố định. Theo đó, thay vì khống chế lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản NHNN công bố như quy định của BLDS năm 2005 thì điều luật này đã đưa ra một con số khống chế rõ ràng (không quá 20%/năm). Quy định về lãi suất nói trên cũng được áp dụng trong việc xác định lãi suất liên quan đến các trách nhiệm dân sự khác như: lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357 BLDS năm 2015); lãi suất áp dụng trong trường hợp bên mua hàng đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ (Điều 438 BLDS năm 2015).
Mức lãi suất giới hạn mà các chủ thể được thoả thuận khá rõ ràng và ở mức phù hợp với thực tế vay mượn giữa các chủ thể với nhau. Quy định về mức trần lãi suất vay cụ thể, rõ ràng tại BLDS giúp các bên tham gia quan hệ dân sự có thể biết được ngay mức trần lãi suất cho vay để điều chỉnh hành vi của mình, cũng như giúp các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp có thể xác định dễ dàng mức lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận là có vi phạm pháp luật hay không, nếu vi phạm thì mức lãi suất cần áp dụng là bao nhiêu.
- BLDS năm 2015 đã quy định linh hoạt “căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội” (đoạn 1 khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015).
- Quy định về tính lãi trong trường hợp vay không có lãi theo BLDS năm 2015 rõ ràng và cụ thể hơn quy định tương ứng tại khoản 4 Điều 474 BLDS năm 2005. Theo đó, BLDS 2005 chỉ quy định bên vay không lãi mà khi đến hạn không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ. Khắc phục bất cập này, Điều 466 BLDS năm 2015 ấn định một mức lãi suất cụ thể đối với trường hợp này là 10%/năm. Đây là mức lãi suất rõ ràng, tạo điều kiện cho các bên trong hợp đồng cũng như cho Tòa án trong việc thống nhất áp dụng luật.
- Quy định về việc tính lãi trong trường hợp vay có lãi mà đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ tại điểm a khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015 đãtháo gỡ băn khoăn về việc có tính lãi hay không tính đối với số tiền lãi bị trả quá hạn (khoản 5 Điều 474 BLDS năm 2005 không quy định cụ thể vấn đề này) bằng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015, theo đó Bộ luật đã ghi nhận việc tính lãi đối với số tiền lãi bị trả quá hạn, lãi suất áp dụng là 10%/năm.
- Quy định về lãi trên nợ gốc quá hạn tại điểm b khoản 5 Điều 466 là hoàn toàn mới so với khoản 5 Điều 474 BLDS năm 2005[1], theo đó, quy định mức lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hợp đồng vay là phù hợp và có tác động nâng cao trách nhiệm trả nợ đúng hạn của bên vay.
1.2. Về lãi suất do chậm thực hiện nghĩa vụ, Điều 357 BLDS năm 2015 quy định như sau:
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.”
Nếu BLDS năm 2005 quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền là một nội dung của trách nhiệm dân sự cho chậm thực hiện nghĩa vụ nói chung thì BLDS năm 2015 đã tách nội dung này ra thành một điều luật riêng biệt nhằm nhấn mạnh trách nhiệm dân sự trong trường hợp đối tượng của nghĩa vụ là tiền. Theo đó, trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Như vậy, ngoài việc phải trả khoản tiền thuộc về nghĩa vụ chính như khoản tiền vay, tiền thanh toán do mua hàng hóa, trả tiền dịch vụ, thuê tài sản... thì bên chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền còn phải trả một khoản lãi tính trên giá trị của khoản tiền chậm trả đó. Khoản lãi này bản chất là trách nhiệm bồi thường những tổn thất do việc chậm trả gây ra và được tính dựa trên mức lãi suất chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và hạn chế tình trạng lạm dụng, bóc lột lẫn nhau, đảm bảo ổn định nền kinh tế, kiểm soát sự lạm phát của thị trường... điều luật quy định lãi suất do các bên thỏa thuận không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468. Cụ thể, lãi suất do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng không cố định mà căn cứ vào tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Quy định này thể hiện tính ổn định và linh hoạt của pháp luật trong sự biến đổi và phát triển của nền kinh tế, xã hội. Trong trường hợp các bên thỏa thuận lãi suất vượt quá mức lãi suất được quy định ở trên thì không phải toàn bộ nội dung thỏa thuận bị vô hiệu mà phần vượt quá sẽ không có hiệu lực. Tức là trong trường hợp này, việc tính lãi suất chậm trả sẽ bằng mức cao nhất do pháp luật quy định chứ không theo mức lãi suất do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì lãi suất chậm trả được tính theo khoản 2 Điều 468, tức là “lãi suất được xác định bằng 50% lãi suất giới hạn” - tức là không quá 10%/năm của khoản tiền chậm trả, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
 

[1] Theo BLDS năm 2005, trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn, bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Việc xác định lãi suất quá hạn theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố là không phù hợp, dẫn đến điểm bất cập là người vay vi phạm thời hạn trả nợ được hưởng mức lãi suất thấp hơn với mức lãi suất trong hạn (thông thường mức lãi suất các bên thỏa thuận trong hạn cao hơn so với mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố)
Phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp