Chiều ngày 12/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Diễn đàn “Tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, giải quyết tranh chấp liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19” trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 chủ trì Diễn đàn. Diễn đàn có sự tham dự của 29 đại biểu tại hội trường và gần 100 đại biểu theo dõi trực tuyến qua nền tảng Zoom.
Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Thanh Tú đã nêu ra một số trường hợp cụ thể tranh chấp phát sinh từ mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà nước, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa doanh nghiệp với người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế, nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn giải quyết tranh chấp phát sinh là nhu cầu vô cùng bức thiết với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Tú hy vọng các đại biểu dự Diễn đàn sẽ tích cực trao đổi, thảo luận về các vấn đề xoay quanh các mối quan hệ nêu trên, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nền kinh tế và tạo đà phát triển trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trình bày một số tham luận như:
- “Giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh trong đại dịch COVID-19”, được trình bày bởi Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; Thành viên Ban Quản lý Chương trình;
- “Vai trò của Bộ Tư pháp trong giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp vừa và nhỏ”, được trình bày bởi Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp; Thành viên Ban Quản lý Chương trình;
- Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, được trình bày bởi Bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; Thành viên Ban Quản lý Chương trình;
- “Một số vấn đề lưu ý cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)”, được trình bày bởi Bà Vũ Thị Hằng, Trưởng phòng Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC);
- “Thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và những kiến nghị đề xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025”, được trình bày bởi Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam;
- Các mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh dịch Covid-19, được trình bày bởi Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh.
Qua đó, các đại biểu cũng đã tích cực trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành đã xây dựng các mẫu phiếu khảo sát nhằm thu thập ý kiến về công tác hỗ trợ pháp lý, phục vụ cho hoạt động xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Bộ Tư pháp:
- Phiếu khảo sát dành cho đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể: [Link].
- Phiếu khảo sát dành cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức: [Link].
- Phiếu khảo sát dành cho đối tượng là các tổ chức dịch vụ pháp lý: [Link].
- Phiếu khảo sát dành cho đối tượng là các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp: [Link].
Tài liệu diễn đàn xin tham khảo tài liệu đính kèm.