Sáng ngày 29/9/2021, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra chương trình tọa đàm đối thoại chính sách về việc hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chương trình tọa đàm đối thoại chính sách về việc hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp thực hiện. Đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hà Nội, chương trình được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tọa đàm hân hạnh có sự tham gia của ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Thành phần tham dự tọa đàm có sự hội tụ của các đại diện của các cơ quan nhà nước; đại diện của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu; đại diện từ phía doanh nghiệp quan tâm đến những hướng đi mới của hệ thống pháp luật Việt Nam. Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Bùi Huy Nhượng khẳng định, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn mà khoảng cách giữa không gian vật lý và không gian kĩ thuật số đang dần thu hẹp lại với nhiều công nghệ cốt lõi, đột phá như dữ liệu lớn, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật,... Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc thu thập và phân tích dữ liệu sẽ cho phép các quy trình được thực hiện nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả hơn. Sự tự động hóa và số hóa được kỳ vọng sẽ dần thay thế nhiều khâu trong quy trình sản xuất của nhiều ngành kinh tế. Đi kèm với những thay đổi to lớn này, thể chế và khung pháp luật cần được thay đổi để bắt kịp xu hướng mới. PGS.TS. Bùi Huy Nhượng hy vọng thông qua tọa đàm, những vấn đề bất cập trong thể chế và pháp lý cũng như những vấn đề tổ chức thi hành pháp luật trong một số hoạt động kinh doanh sẽ được phân tích với các góc nhìn đa chiều, từ đó có thể đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những tác động mạnh mẽ đến mọi thành phần của nền kinh tế Việt Nam, pháp luật đóng vai trò vừa là công cụ kiểm soát tác động tiêu cực của sự bùng nổ những rủi ro đi kèm với công nghệ mới, nhưng cũng có khả năng tạo ra động lực to lớn cho những công nghệ, giải pháp mới phát triển. Về phương hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế để sẵn sàng “đón đầu” tiềm lực mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ông Nguyễn Thanh Tú nhận định, ngoài việc tích cực, chủ động vận dụng hệ thống quy định hiện hành, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, cần phải nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Cụ thể, để có thể áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, người áp dụng pháp luật phải hiểu được một cách đầy đủ bản chất và cách thức hoạt động của công nghệ, giải pháp mới.