Triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025

Ngày 13/5/2021, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp việc triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình 81). Cuộc họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, bà Phan Thị Hồng Hà – Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, ông Nguyễn Huy Hùng – Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính và bà Phan Thị Thu Phương – Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp.

Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành với mục tiêu triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, Chương trình 81 tiếp tục hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn mới.


Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành với mục tiêu triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, Chương trình 81 tiếp tục hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn mới.
Chương trình có 03 mục tiêu cụ thể:
1. Cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: (i) xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng 01 cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) cung cấp các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; (iii) tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.
2. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho: (i) tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; (ii) tối thiểu 60% người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
3. Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm: tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại và các hoạt động tư vấn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo 100% đề nghị tư vấn của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Chương trình được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Hiện nay, trong bối cảnh những biện pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý đã và đang trở thành mối quan tâm thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý ngày càng được khẳng định. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, lần đầu tiên Văn kiện Đại hội ghi nhận nỗ lực của các Bộ, ngành trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, và lần đầu tiên Văn kiện Đại hội đề ra các định hướng cho công tác này trong thời gian tới. Sự ra đời của Chương trình 81 phản ánh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể xã hội trong việc thúc đẩy ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Trong bối cảnh cần gấp rút triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025, đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã tập trung thảo luận về những vấn đề then chốt, nền tảng nhất của việc triển khai Chương trình. Trọng tâm của cuộc họp tập trung vào cơ chế tổ chức quản lý Chương trình, cơ chế tài chính và nguồn nhân lực thực hiện Chương trình. Cụ thể, đại diện của các đơn vị trao đổi ý kiến về lựa chọn giữa phương án Bộ Tư pháp giao cho một đơn vị thuộc Bộ Tư pháp làm cơ quan thường trực triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình, và phương án thành lập Ban Quản lý Chương trình để tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình 81. Ngoài ra, đại diện của các đơn vị cũng thảo luận về nguồn nhân lực thực hiện Chương trình, về các phương án bổ sung nhân sự, đảm bảo các hoạt động của Chương trình được thực hiện một cách chất lượng, kịp thời. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chỉ đạo ngoài việc thống nhất cơ chế tổ chức quản lý và thực hiện Chương trình, cần phải gấp rút xây dựng dự kiến những công việc cấp bách, phải triển khai ngay khi Chương trình bắt đầu đi vào hoạt động.