Hợp đồng có thỏa thuận sử dụng ngoại tệ

Tình tiết sự kiện: Thực tế, hợp đồng có sử dụng ngoại tệ như để tính toán khá phổ biến. Ở đây, Nguyên đơn và Bị đơn đã ký hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị với đồng tiền thanh toán là đồng tiền Việt Nam, giá tạm tính được quy đổi từ đơn giá tính toán bằng USD. Hội đồng Trọng tài xác định hợp đồng này chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự năm 2015 và không thuộc trường hợp vi phạm điều cấm làm cho hợp đồng vô hiệu.

Tư vấn: Trên cơ sở khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 theo đó “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, Bộ luật dân sự năm 2015 đã có những thay đổi cơ bản liên quan đến điều cấm đối với giao dịch dân sự: Từ “điều cấm của pháp luật” thành “điều cấm của luật” để tăng tự do thỏa thuận, cam kết trong giao lưu dân sự.
Cụ thể, trước đây, Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định “Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật” (điểm b khoản 1 Điều 122) với hệ quả “Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu” (Điều 128). Ở đây, hạn chế đối với giao dịch là “điều cấm của pháp luật”, được hiểu “là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định” (Điều 128) nên điều cấm hạn chế giao dịch có thể tồn tại trong Luật do Quốc hội ban hành hay văn bản dưới Luật do cơ quan khác ban hành. Bộ luật dân sự năm 2015 đã thay đổi vì đã khẳng định “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật” (điểm c khoản 1 Điều 117) với hệ quả “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Khác với Bộ luật dân sự năm 2005, điều cấm làm cho giao dịch vô hiệu không là “điều cấm của pháp luật” mà là “điều cấm của luật”, được hiểu “là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.
Với hướng trên, hạn chế đối với giao dịch dân sự đã bị khoanh vùng đáng kể: trước đây điều cấm làm cho hợp đồng vô hiệu có thể thuộc bất kỳ văn bản nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Nghị định hay chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh. Ngày nay, điều cấm làm cho hợp đồng vô hiệu chỉ có thể là quy định “của luật” (văn bản do Quốc hội ban hành dưới dạng Luật), nên điều cấm nằm trong văn bản dưới luật không là cơ sở làm cho hợp đồng vô hiệu. Hướng này củng cố tự do cam kết, tự do thỏa thuận của các bên trong quan hệ dân sự và đã được thể hiện rõ nét tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 về Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam theo đó “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Nội dung trên cho thấy Bộ luật dân sự năm 2015 đã có sự thay đổi theo hướng tích cực cho tự do hợp đồng so với Bộ luật dân sự trước đây và sự thay đổi tích cực này đã được vận dụng trong vụ việc nêu trên. Trong vụ việc trên, các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng “thống nhất giá mua bán quy định tại điều 1 của hợp đồng 9.665.832.000 VND là giá tạm tính được quy đổi từ đơn giá tính toán là 432.960 USD theo tỷ giá quy đổi tạm tính là 22.325 VND/USD. Khi thanh toán hợp đồng hai bên đồng ý chốt từ đơn giá tính toán của hợp đồng nhân với tỷ giá ngoại tệ bán ra của Ngân hàng V Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tại từng thời điểm thanh toán để thực hiện việc thanh toán; Đồng tiền thanh toán theo hợp đồng này là đồng Việt Nam”.
Trên cơ sở Khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18/03/2013 theo đó “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” và Điều 3 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 theo đó “Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”, Hội đồng Trọng tài xác định “Việc quy đổi giá trị của hợp đồng từ tiền USD ra tiền VND trong phụ lục hợp đồng số 01 không phù hợp với quy định tại Pháp lệnh ngoại hối năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) của Ủy ban thường vụ Quốc hội và cũng không phù hợp với Thông tư số 32/2013 của Ngân hàng Nhà nước”.
Như vậy, Hội đồng Trọng tài xác định hợp đồng có vi phạm các quy định về ngoại hối. Tuy nhiên, đối với Hội đồng Trọng tài, các quy định bị vi phạm không là “điều cấm của luật” trong khi đó Hội đồng Trọng tài đã xác định “Hợp đồng này đang được thực hiện nên có cơ sở để áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015 để xem xét, giải quyết vụ tranh chấp”. Cụ thể, theo Hội đồng Trọng tài, “theo Điều 4 (Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật) Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, pháp lệnh và thông tư không phải là văn bản luật. Do vậy, Phụ lục hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài xét rằng “Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng có hiệu lực pháp luật”; “thỏa thuận ghi giá bằng ngọai tệ” đã “không làm vô hiệu hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị”.
Qua vụ việc trên, doanh nghiệp thấy rằng pháp luật Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể liên quan đến tự do cam kết, thỏa thuận của các chủ thể trong quan hệ dân sự. Tự do cam kết, tự do thỏa thuận đã được củng cố mạnh mẽ trong Bộ luật dân sự năm 2015 so với Bộ luật dân sự năm 2005 bằng việc thay đổi “điều cấm của pháp luật” bằng “điều cấm của luật”. Đây là sự thay đổi tích cực cho giao lưu dân sự và doanh nghiệp nên biết quy định nào là điều cấm của luật và quy định nào không là điều cấm của luật để đảm bảo lợi ích của mình như chúng ta đã thấy trong vụ việc nêu trên.