Bài học kinh nghiệm: Trong trường hợp hợp đồng giữa các bên không có điều khoản áp dụng CISG, tranh chấp giữa các bên vẫn có thể được giải quyết bởi CISG nếu có chứng cứ chứng minh các bên cùng thể hiện ý chí áp dụng CISG giải quyết tranh chấp.
Trong vụ việc trên, hợp đồng giữa các bên không thoả thuận lựa chọn áp dụng CISG. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, căn cứ Điều 45, 49, 72, 73 của CISG, Nguyên đơn yêu cầu hủy hợp đồng nên Nguyên đơn đã thể hiện ý chí muốn áp dụng CISG. Tại Bản tự bảo vệ và Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, Bị đơn cho rằng cần áp dụng Luật Thương mại năm 2005 và CISG nên cũng thể hiện ý chí muốn áp dụng CISG.
Từ đó, Hội đồng Trọng tài xác định “tranh chấp này có yếu tố nước ngoài, các Bên lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam và Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (tại Phiên họp ngày 07/7/2018) để giải quyết vụ tranh chấp. Do đó, căn cứ theo Điều 14 Luật Trọng tài thương mại 2010 và Điều 24 Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC năm 2017, Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Công ước Viên để giải quyết vụ tranh chấp”.
Ở đây, ban đầu các bên không có thoả thuận áp dụng CISG nhưng, trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên thống nhất áp dụng Công ước này và đã được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Hướng công nhận việc áp dụng Công ước trên cơ sở thoả thuận của các bên như vừa nêu là phù hợp với các quy định về xác định pháp luật điều chỉnh tranh chấp có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, hướng vừa nêu phù hợp với Điều 14 Luật Trọng tài thương mại 2010 theo đó “đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn” (khoản 2). Ở đây, chúng ta cần áp dụng “pháp luật do các bên lựa chọn” trong khi đó CISG là “pháp luật” theo quy định vừa nêu (Việt Nam đã là thành viên của CISG) và điều luật đó không giới hạn thời điểm các bên lựa chọn pháp luật điều chỉnh nên việc các bên thống nhất áp dụng CISG ở thời điểm có tranh chấp là phù hợp với quy định.
Hướng như nêu trên của Hội đồng Trọng tài cũng phù hợp với quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng” (khoản 1 Điều 683). Ở quy định này, chúng ta cũng cần tôn trọng “pháp luật” do các bên thoả thuận trong khi đó các bên đã thoả thuận áp dụng CISG và quy định đó không buộc các bên phải thoả thuận lựa chọn pháp luật áp dụng ở một thời điểm nhất định nên việc các bên lựa chọn áp dụng CISG ở thời điểm nào cũng được trong đó bao gồm cả thời điểm giải quyết tranh chấp như trong vụ việc nêu trên.
CISG là công ước quốc tế được áp dụng rất phổ biến trong giao lưu quốc tế, việc các bên và Hội đồng Trọng tài theo hướng áp dụng Công ước này cho thấy khả năng hội nhập cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Phán quyết trọng tài trên bình diện thế giới. Các quy định hiện nay cho phép các bên thoả thuận áp dụng Công ước này và không giới hạn thời điểm thoả thuận nên các bên có thể thoả thuận áp dụng CISG ở bất kỳ thời điểm nào, ngay cả khi tranh chấp đã phát sinh như vụ việc được nghiên cứu. Đó là những điểm doanh nghiệp rất đáng lưu tâm khi tham gia vào hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.