Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2022

Nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực giáo dục, kinh doanh vận tải, chính sách thuế, người có công... sẽ có hiệu lực trong tháng 9/2022.

Gửi hàng xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác 6 thông tin

Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2022.  
Nghị định bổ sung điểm đ khoản 3 Điều 11: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận. 
Sáu (06) trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng
Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/9/2022
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 4 đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng.
Giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể với 6 trường hợp.
Chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp THPT
Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông sẽ có hiệu lực từ ngày 10/9/2022.
Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông được thực hiện theo lộ trình như sau: Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 10. Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 11. Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 12.
Chương trình bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp; các chuyên đề học tập lựa chọn; các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn.
Cụ thể, các môn học bắt buộc gồm 7 môn học, trong đó: Ngữ văn, Toán, Lịch sử là 3 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn trong số các môn học Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc. Ngoài ra còn có các môn học, hoạt động tự chọn gồm Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc thiểu số, Nội dung giáo dục địa phương.
Thời gian học của mỗi năm học là 35 tuần/lớp. Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút.
Liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài
Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2022.
Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài phải cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng như: Đề thi bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh; không vi phạm pháp luật, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của Việt Nam; đề thi mẫu được công bố để thí sinh tiếp cận dễ dàng, đầy đủ; Bảng quy đổi kết quả thi với Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR) được cơ quan quy định công nhận;...
Tăng mức chi cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Thông tư 42/2022/TT-BTC ngày 06/07/2022  của Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật có hiệu lực kể từ 01/9/2022. Theo Thông tư, tăng mức chi soạn thảo văn bản đối với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết liên tịch, nghị định của Chính phủ: quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư .
Áp dụng 24 quy trình công nhận, thực hiện chế độ ưu đãi người có công
Thông tư số 55/2022/TT-BQP ngày 27/7/2022 hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9 hướng dẫn cụ thể về 24 quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng với 23 đối tượng, trường hợp khác nhau như: 
Quy trình công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 quy định tại khoản 5 Điều 7 và khoản 5 Điều 12 Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
Quy trình lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ đang tại ngũ, công tác quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 18 Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
Quy trình thực hiện chế độ ưu đãi đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến đang tại ngũ, công tác quy định tại khoản 5 Điều 32 Nghị định...
Làm từ thiện phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ
Thông tư số 41/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực kể từ ngày 01/9.
Theo Thông tư, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định.
Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.
Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng
Thông tư 44/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quản lý có hiệu lực từ ngày 5/9.
Theo Thông tư, kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia kháng chiến và chi phí quản lý thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng do ngân sách trung ương đảm bảo được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ LĐTB&XH và được thực hiện như sau: Bộ LĐTB&XH ủy quyền cho Sở LĐTB&XH thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương; cơ quan LĐTB&XH hoặc cơ quan được cấp có thẩm quyền giao quản lý và sử dụng kinh phí mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước và thực hiện rút dự toán theo quy định.
 Nguồn (https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/van-ban-chinh-sach-moi.aspx?ItemID=3751)