Startup và bài học “mất trắng” vì quên bảo hộ sở hữu trí tuệ
Trong hành trình khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản phẩm và thị trường mà quên mất rằng tài sản trí tuệ, bao gồm thương hiệu, sáng chế, thiết kế mới là nền móng giá trị lâu dài. Khi không được đăng ký và bảo hộ kịp thời, những tài sản vô hình này có thể bị đánh mất vào tay người khác, kéo theo hệ lụy pháp lý nghiêm trọng. Không ít startup đã phải trả giá đắt chỉ vì coi nhẹ một trụ cột pháp lý quan trọng sở hữu trí tuệ.
Ngoài đăng ký doanh nghiệp khi khởi sự kinh doanh, việc phải bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là trụ cột pháp lý thứ hai mà startup không thể lơ là. Tài sản trí tuệ như thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng, bí quyết công nghệ, nội dung sáng tạo thường là nền tảng của các công ty khởi nghiệp. Pháp luật hiện hành đã trao cho startup công cụ để bảo vệ những tài sản vô hình này, nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động đăng ký, xác lập quyền kịp thời. Điều 6 Luật SHTT sửa đổi 2022 quy định quyền SHTT phát sinh hoặc được xác lập dựa trên hai phương thức chính: (i) tự động phát sinh không cần đăng ký đối với quyền tác giả, quyền liên quan...; (ii) đăng ký và được cơ quan nhà nước cấp văn bằng bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, v.v…).
Nói cách khác, thương hiệu, sáng chế... muốn được pháp luật bảo vệ độc quyền thì startup phải nộp đơn đăng ký và được cấp giấy chứng nhận (ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt như nhãn hiệu nổi tiếng có thể được thừa nhận không qua đăng ký). Đặc biệt, Điều 90 Luật SHTT áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên: nếu có nhiều đơn đăng ký cho cùng một đối tượng (ví dụ trùng hoặc tương tự một nhãn hiệu), quyền ưu tiên thuộc về người nộp đơn sớm nhất
Đây là nguyên tắc xuyên suốt nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ SHTT sớm, tránh tình trạng chậm chân sẽ mất quyền vào tay người khác. Trên thực tế, nhiều startup Việt xem nhẹ việc đăng ký SHTT, đặc biệt là nhãn hiệu (thương hiệu) và kiểu dáng sản phẩm. Họ tập trung phát triển sản phẩm, đẩy mạnh marketing để chiếm lĩnh thị trường mà quên rằng thương hiệu chính là tài sản quan trọng cần được bảo vệ từ đầu.
Chỉ đến khi thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp mới nghĩ đến chuyện đăng ký bảo hộ, thì có thể đã quá muộn. Không ít trường hợp tên thương mại, nhãn hiệu của startup bị bên khác đăng ký trước, dẫn đến nguy cơ vướng tranh chấp pháp lý và bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Thậm chí, việc sử dụng thương hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ của người khác có thể bị xem là xâm phạm quyền SHTT và bị xử phạt theo luật định, thiệt hại sẽ rất lớn nếu startup buộc phải đổi tên thương hiệu sau khi đã kinh doanh: doanh nghiệp mất thời gian, chi phí xây dựng lại hình ảnh từ đầu, trong khi khách hàng đã quen với thương hiệu cũ. Còn nếu muốn mua lại thương hiệu từ người khác, chi phí có thể cực kỳ cao, thậm chí vượt quá khả năng tài chính của startup.
Dù trong kịch bản nào, doanh nghiệp chậm chân vẫn là bên chịu thiệt
Bài học rút ra là việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu phải được ưu tiên ngay từ đầu để tạo một “tấm khiên” vững chắc trước áp lực cạnh tranh trong tương lai.
Ví dụ điển hình là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột niềm tự hào của ngành cà phê Việt Nam từng bị đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc bởi một công ty địa phương. Năm 2011, dư luận xôn xao khi hai nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” kèm logo đã được cơ quan SHTT Trung Quốc cấp chứng nhận cho Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd., với thời hạn bảo hộ 10 năm.
Việc “mất” thương hiệu vùng địa lý nổi tiếng vào tay doanh nghiệp ngoại quốc khiến các nhà xuất khẩu cà phê Việt gặp nhiều khó khăn, lo lắng. Tương tự, thương hiệu cà phê “Đăk Lăk” cũng từng bị một công ty tại Pháp đăng ký độc quyền từ năm 1997 và bảo hộ tại hơn 10 quốc gia
Những sự việc này cho thấy tính chất lãnh thổ của quyền SHTT, đăng ký bảo hộ ở Việt Nam chỉ có hiệu lực trong phạm vi Việt Nam. Nếu muốn xuất khẩu hay mở rộng thị trường ra nước ngoài, startup cần chủ động đăng ký bảo hộ tại các quốc gia dự kiến kinh doanh (hoặc thông qua hệ thống Madrid đối với nhãn hiệu, PCT đối với sáng chế...). Chiến lược SHTT bài bản ngay từ đầu giúp startup tránh cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”, tức mất thương hiệu rồi mới cuống cuồng đi đăng ký bảo vệ.
Bên cạnh thương hiệu, các tài sản trí tuệ khác của startup cũng cần được xác lập quyền kịp thời. Sáng chế, giải pháp kỹ thuật mới cần nộp đơn patent; logo, thiết kế độc đáo nên đăng ký bản quyền hoặc kiểu dáng công nghiệp tùy trường hợp, bí mật kinh doanh phải được bảo mật chặt chẽ và có thỏa thuận không tiết lộ (NDA) với các bên liên quan. Một điểm quan trọng nội bộ, startup phải có cơ chế pháp lý để chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ từ cá nhân sáng lập sang sở hữu công ty. Nhiều doanh nghiệp đã trả giá đắt vì không làm rõ vấn đề này ví dụ khi một đồng sáng lập nắm giữ công nghệ cốt lõi tách ra nhưng công nghệ đó chưa thuộc về công ty, dẫn đến dự án mất “linh hồn” và dẫn đến sụp đổ.
Vì vậy, ngay khi thành lập, các sáng lập viên cần thỏa thuận về việc công ty sở hữu các tài sản trí tuệ của dự án, tránh phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào. Điều này thường được thể hiện trong thỏa thuận cổ đông hoặc hợp đồng lao động với nhân sự chủ chốt, quy định rõ mọi sáng tạo, phát minh liên quan dự án sẽ thuộc về công ty. Đây cũng là một tiêu chí mà nhà đầu tư rất quan tâm khi rót vốn vào startup, họ muốn chắc chắn rằng những tài sản vô hình tạo nên giá trị công ty thực sự nằm trong sự kiểm soát của doanh nghiệp, đã được pháp luật bảo hộ, chứ không phải mập mờ thuộc về cá nhân nào đó. Một minh chứng khác về tầm quan trọng của hiểu biết pháp luật SHTT là vụ tranh chấp giữa Sconnect (Việt Nam) chủ sở hữu loạt phim hoạt hình Wolfoo và công ty Anh quốc sở hữu Peppa Pig. Đầu năm 2022, hãng Entertainment One (Anh) đã khởi kiện Sconnect ra Tòa án London, cáo buộc Wolfoo vi phạm bản quyền và “passing off” (cạnh tranh không lành mạnh) với thương hiệu Peppa Pig
Phía nguyên đơn cho rằng Sconnect đã vi phạm đến 6 nhãn hiệu đã đăng ký của Peppa Pig và lợi dụng hình ảnh Peppa để thu lợi cho Wolfoo. Cuộc chiến pháp lý quốc tế này kéo dài khiến kênh Wolfoo trên YouTube bị xóa hàng ngàn video vì khiếu nại bản quyền, gây thiệt hại lớn cho Sconnect.
Dù Sconnect phản tố và thắng một phần vụ kiện tại Nga và Trung Quốc, vụ việc vẫn là hồi chuông cảnh tỉnh: startup Việt khi vươn ra thị trường quốc tế có thể đối mặt với những tranh chấp SHTT phức tạp, tốn kém. Bài học rút ra là doanh nghiệp khởi nghiệp cần nghiên cứu kỹ về bản quyền, nhãn hiệu của bên thứ ba, tránh vi phạm vô ý. Đồng thời phải đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình tại các thị trường trọng điểm và có chiến lược pháp lý sẵn sàng để bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp xuyên biên giới.
Đỗ Văn Tuyến
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý