Điện Biên: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước. Xuất phát từ vị trí quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3048/KH-UBND thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Điện Biên do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng tổ công tác để chỉ đạo các sở, ngành chức năng liên quan và các địa phương hỗ trợ pháp lý, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án một cách kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện Thông tư số 64/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự án toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Từ kế hoạch định hướng, các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, thực chất khả thi, chuyên nghiệp, mang tính bền vững, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đối với công tác thông tin, tuyên truyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính; kịp thời cập nhật đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành để doanh nghiệp truy cập, tìm hiểu và khai thác sử dụng. Tính từ thời điểm Nghị định số 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến ngày 15/9/2023, Sở Tư pháp đã cập nhật được 232 văn bản quy phạm pháp luật (71 Nghị quyết của HĐND tỉnh và 161 Quyết định của UBND tỉnh) vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật theo quy định, giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu và thực hiện các văn bản QPPL đã được địa phương ban hành.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh duy trì hoạt động các Trang thông tin điện tử, thường xuyên cập nhật thông tin pháp luật, tiện lợi trong quá trình tra cứu, tìm hiểu. Khi nhận được nội dung kiến nghị liên quan đến phạm vi, lĩnh vực được giao quản lý, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã nghiên cứu trả lời bảo đảm đúng thời hạn theo quy định thông qua các hình thức như: bằng văn bản, thông qua phiếu khảo sát, đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh, kiến nghị và các phương tiện thông tin đại chúng. Việc giải đáp các vấn đề chủ yếu tập trung ở các nội dung như: Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp, quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện; giải quyết, phá sản doanh nghiệp; đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do thừa kế; vướng mắc về chính sách, thủ tục, hồ sơ đối với dự án..
Tỉnh Điện Biên còn chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát các quy định của pháp luật nhămg tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường khảo sát và đối thoại với doanh nghiệp xác định các vướng mắc về pháp lý để hoàn thiện pháp luật; nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài và các địa phương khác về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 Công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước được tăng cường trên tinh thần đồng hành, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị và Đoàn Luật sư tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện tốt việc đào tạo, hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời cung cấp các thông tin pháp lý tới các doanh nghiệp trong tỉnh để áp dụng, thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác bồi thường, GPMB, thu hồi đất bảo đảm quy định pháp luật; giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc giữa người dân với doanh nghiệp và vướng mắc về mặt pháp lý trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh; từ đó nâng cao hiểu biết pháp luật cho cả người dân, người quản lý, lao động tại các doanh nghiệp.  Qua đó, lồng ghép các hoạt động hỗ trợ pháp lý gắn với tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; triển khai, nhân rộng một số mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả. Tăng cường xã hội hoá hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, khuyến khích các cơ quan, tổ chức tham gia hỗ trợ, triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, với đặc thù là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn trên mọi lĩnh vực. Trong đó, việc bố trí nguồn lực để bảo đảm hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vì thế, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa đầy đủ, một số hoạt động được thực hiện nhưng hiệu quả chưa được đánh giá cụ thể; mạng lưới tư vấn viên pháp luật còn ít về số lượng, hiệu quả tư vấn còn hạn chế. Hơn nữa, một bộ phận doanh nghiệp còn thiếu tính chủ động nghiên cứu, đề xuất, nhu cầu hỗ trợ pháp lý; các cơ quan, đơn vị chưa nắm bắt được toàn diện nhu cầu pháp lý mà doanh nghiệp cần hỗ trợ nên chưa thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp.
Dương Anh Tú
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật