Cập nhật, khai thác, sử dụng và quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ hướng tới chia sẻ phục vụ các hoạt động của người dân, doanh nghiệp

Ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BNV ban hành quy định cập nhật, khai thác, sử dụng và quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ.

 Theo đó, cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ được xác định là tập hợp dữ liệu số hoá thông tin chuyên ngành Nội vụ do Bộ Nội vụ xây dựng, quản lý, quản trị, vận hành và giao cho các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ cấp bộ, ngành, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương quản lý, khai thác, sử dụng và phân quyền cho cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của bộ, ngành, địa phương. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ được chia sẻ phục vụ các hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng dữ liệu. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành Nội vụ có nhu cầu sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ bao gồm các loại cơ sở dữ liệu sau:
1. Cơ sở dữ liệu về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Đây là cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và chia sẻ thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo nền tảng thu thập, xử lý, lưu trữ, quản lý, khai thác và sử dụng tập trung dữ liệu về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, công chức, công vụ.
Nội dung của dữ liệu bao gồm: (i) Thông tin về các kỳ kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên toàn quốc; (ii) Thông tin về người đăng ký dự kiểm định; (iii) Thông tin về kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
 Dữ liệu dược chia sẻ theo phương thức yêu cầu đặc thù thực hiện thông qua quy chế phối hợp hoặc văn bản đề nghị của cơ quan có nhu cầu chia sẻ.
2. Cơ sở dữ liệu về tổ chức, bộ máy
Đây là cơ sở dữ liệu nhằm mục đích thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; vị trí việc làm, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản biên chế..., hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung về tổ chức, bộ máy.
Nội dung của dữ liệu bao gồm: (i) Dữ liệu đầy đủ về tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; (ii) Dữ liệu về vị trí việc làm, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; (iii) Dữ liệu về tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; (iv) Dữ liệu về số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
 Dữ liệu dược chia sẻ theo các phương thức sau
- Chia sẻ dữ liệu mặc định: Kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác.
- Chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù: Thực hiện thông qua quy chế phối hợp hoặc văn bản đề nghị của cơ quan có nhu cầu chia sẻ.
3. Cơ sở dữ liệu về chính quyền địa phương và địa giới hành chính
Đây là cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước lĩnh vực chính quyền địa phương và địa giới hành chính gồm: Số lượng, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn tổ dân phố; số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; số lượng, chất lượng thành viên Ủy ban nhân dân các cấp; số lượng lãnh đạo chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương; thôn, tổ dân phố và địa giới hành chính các cấp.
Nội dung của dữ liệu bao gồm: (i) Dữ liệu về số lượng, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn tổ dân phố; (ii) Dữ liệu số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; (iii) Dữ liệu về số lượng, chất lượng thành viên Ủy ban nhân dân các cấp; (iv) Dữ liệu về số lượng lãnh đạo chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương (chức vụ, giới tính, Đảng, dân tộc, tôn giáo, độ tuổi, trình độ giáo dục và chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ và tin học); (v) Dữ liệu thôn, tổ dân phố (số thôn số tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo; đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng cao); (vi) Dữ liệu về đơn vị hành chính các cấp.
Dữ liệu được chia sẻ theo các phương thức sau:
- Chia sẻ dữ liệu mặc định thông qua tra cứu, khai thác, tìm kiếm về đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; kết nối, đồng bộ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan khác.
- Chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù thực hiện thông qua quy chế phối hợp hoặc văn bản đề nghị của cơ quan có nhu cầu chia sẻ.
4. Cơ sở dữ liệu về hội, quỹ, tổ chức phi chính phủ
Cơ sở dữ liệu hội, quỹ, tổ chức phi chính phủ được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Nội vụ; cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân cấp huyện để hỗ trợ giải quyết các thủ tục về hội, quỹ và quản lý hoạt động của các tổ chức hội, quỹ theo phân cấp. Nội dung của dữ liệu bao gồm: (i) Dữ liệu về hội; (ii) Dữ liệu về quỹ.
Dữ liệu được chia sẻ thông qua phương thức: (i) Chia sẻ dữ liệu mặc định thôgn qua tra cứu, khai thác, tìm kiếm, thống kê hội, quỹ; kết nối hệ thống dịch vụ công phục vụ cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và các cơ sở dữ liệu /hệ thống thông tin khác của Bộ Nội vụ; (ii) Chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù: Thực hiện thông qua quy chế phối hợp hoặc văn bản đề nghị của cơ quan có nhu cầu chia sẻ.
5. Cơ sở dữ liệu về thanh niên Việt Nam
Cơ sở dữ liệu để phục vụ quản lý về thanh niên Việt Nam; quản lý sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Nội dung của dữ liệu gồm: (i) Thông tin Thống kê các số liệu thống kê về thanh niên Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội; (ii) Thông tin về hồ sơ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định pháp luật
Dự liệu được chỉa sẻ theo các phương thức: (i) Chia sẻ dữ liệu mặc định qua tra cứu, khai thác, tìm kiếm thông tin về thanh niên Việt Nam; kết nối, đồng bộ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan khác; (ii) Chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù thực hiện thông qua quy chế phối hợp hoặc văn bản đề nghị của cơ quan có nhu cầu chia sẻ.
6. Cơ sở dữ liệu về tôn giáo
Cơ sở dữ liệu để phục vụ quản lý tập trung dữ liệu về chức sắc, chức việc, các cơ sở tôn giáo đang được phép hoạt động trong cả nước. Nội dung của dữ liệu bao gồm: (i) Thông tin về chức sắc, chức việc tôn giáo theo yêu cầu quản lý nhà nước; (ii) Thông tin về cơ sở tôn giáo.
Dữ liệu được chia sẻ theo các phương thức: (i) Chia sẻ dữ liệu mặc định qua tra cứu, khai thác, tìm kiếm thông tin thống kê về chức sắc, chức việc tôn giáo, cơ sở tôn giáo; kết nối, đồng bộ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan khác; (ii) Chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù thực hiện thông qua quy chế phối hợp hoặc văn bản đề nghị của cơ quan có nhu cầu chia sẻ.
7. Cơ sở dữ liệu về thi đua-khen thưởng
Cơ sở dữ liệu để phục vụ quản lý công tác thi đua; thực hiện trình hồ sơ khen thưởng cấp bộ, ngành, cấp tỉnh và khen thưởng bậc cao. Nội dung của dữ liệu bao gồm: (i) Thông tin về công tác thi đua; (ii) Thông tin về trình hồ sơ khen thưởng cấp bộ, ngành, cấp tỉnh và khen thưởng bậc cao.
Dữ liệu được chia sẻ theo các phương thức: (i) Chia sẻ dữ liệu mặc định thông qua tra cứu, khai thác hồ sơ về công tác thi đua; tra cứu, khai thác hồ sơ về công tác khen thưởng; kết nối, đồng bộ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan khác; (ii) Chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù thực hiện thông qua quy chế phối hợp hoặc văn bản đề nghị của cơ quan có nhu cầu chia sẻ.
8. Cơ sở dữ liệu về quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp); thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để tổng hợp, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước các cấp. Nội dung của dữ liệu bao gồm: (i) Đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định pháp luật; (ii) Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; (iii) Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Dữ liệu được chia sẻ theo phương thức yêu cầu đặc thù thực hiện thông qua quy chế phối hợp hoặc văn bản đề nghị của cơ quan có nhu cầu chia sẻ./.
Lưu Công Thành
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật