Một số kết quả nổi bật trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng trong năm 2024

Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua rà soát, hiện nay, Bộ Quốc phòng đang quản lý các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, doanh nghiệp do Nhà nước nắm không quá 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cố phần có quyền biểu quyết do Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu, các doanh nghiệp này đều không thuộc tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Quốc phòng cũng đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Theo đó, trong năm 2024, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng như sau:

   Hằng năm, Bộ Quốc phòng đều ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị trong Bộ triển khai đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở kế hoạch của Bộ, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai toàn diện, hiệu quả, tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ các hoạt động hỗ trợ pháp lý và thực thi pháp luật, phòng chống rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.
    Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú như: Tọa đàm; lồng ghép quán triệt trong giao ban; đăng tải trên hệ thống thông tin nội bộ của Bộ và các đơn vị trực thuộc... Việc đa dạng hóa các hình thức cung cấp thông tin pháp luật liên quan tới doanh nghiệp đã góp phần tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức pháp lý, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động trong các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
    Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng thường xuyên cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng (tại địa chỉ http://vuphapche.bqp); trên website của Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng (tại địa chỉ www.ckt.gov.vn) và Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng. Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật của Bộ Quốc phòng đã giúp cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận, khai thác cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật mới của Bộ Quốc phòng một cách thuận lợi; từ đó giúp các doanh nghiệp kịp thời ban hành các quy chế, quy định của doanh nghiệp phù hợp với những quy định mới của pháp luật hiện hành.
    Để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến tổ chức, quản trị, hoạt động kinh tế thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Giải đáp trực tiếp thông qua điện thoại, văn bản hoặc thư điện tử; lồng ghép đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các hội nghị PBGDPL của Bộ Quốc phòng. Theo đó, việc tổ chức tư vấn, giải đáp pháp luật được Bộ tiến hành thường xuyên, kịp thời, về cơ bản đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người lao động thuộc Bộ Quốc phòng.
    Bộ đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp và các văn bản có liên quan để kịp thời phát hiện những nội dung, quy định không còn phù hợp để báo cáo Lãnh đạo Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
    Bên cạnh kết quả đạt dược, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Bộ Quốc phòng còn một số khó khăn, vướng mắc cụ thể: (i) Cán bộ phụ trách tiếp nhận kiến nghị, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp và thực hiện giải đáp pháp luật chủ yếu là kiêm nhiệm. Hiện tại, Bộ Quốc phòng chưa bố trí được phòng, ban chức năng chuyên trách thực hiện giải đáp pháp luật và tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Do vậy, hoạt động này nhìn chung vẫn chưa đi vào nền nếp, chưa trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; (ii) Việc biên soạn các bản tin về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa phong phú và kịp thời. Nội dung các bản tin chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các doanh nghiệp quan tâm.
    Để nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, Bộ Quốc phòng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng các doanh nghiệp nhỏ và vừa có trách nhiệm bố trí cán bộ pháp chế để tham mưu cho người đứng đầu về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp các bộ, ngành đê công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngày càng đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực./.
Lưu Công Thành
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật