Bình Dương là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn với khoảng 65.000 doanh nghiệp/tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả nước. Đây cũng là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhất trong cả nước. Trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Bình Dương nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân và các sở ban ngành, cơ quan liên quan, đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình cụ thể, thiết thực.
1. Thành tựu về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Bình Dương
Với vai trò của cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, trong thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã thường xuyên đăng tải các thông tin về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên chuyên mục “Hỗ trợ doanh nghiệp” của Cổng thông tin điện tử của tỉnh; các sở, cơ quan, báo, đài đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình, hoạt động cung cấp thông tin pháp lý, tư vấn pháp luật, giải đáp vướng mắc về pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổ tư vấn về thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong hơn 06 năm qua đã thực hiện 1.600 trường hợp... Sở Tư pháp cũng thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời, đầy đủ nội dung, hiệu lực thi hành của các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Cung cấp các thông tin pháp luật bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, cấp phát tài liệu, tờ gấp pháp luật miễn phí cho doanh nghiệp, xây dựng sổ tay hướng dẫn, thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, các sở, ban, ngành tỉnh còn phối hợp với các chi hội, Hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin pháp luật đến doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tư vấn pháp luật.
2. Một những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Bình Dương
- Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực
hoạt động của doanh nghiệp; do đó, cần phải có cán bộ chuyên trách để triển khai
và kết nối hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ công chức, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan, đơn
vị đều kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ
năng tư vấn nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tham mưu, chất lượng hiệu
quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao.
- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi nên các
doanh nghiệp khó tiếp cận và mất nhiều thời gian để nghiên cứu dẫn đến việc áp
dụng pháp luật vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành của doanh
nghiệp vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện.
- Một số doanh nghiệp chưa có ý thức tự giác, tìm hiểu các quy định pháp
luật liên quan đến doanh nghiệp; không đăng ký tham gia tuyên truyền, phổ biến
pháp luật khi cơ quan nhà nước có đề nghị; việc chấp hành pháp luật của một số
doanh nghiệp còn hạn chế, chưa kịp thời cập nhật, tra cứu tìm hiểu các quy định
mới của pháp luật, còn vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, môi
trường, xây dựng,…
- Mạng lưới tư vấn viên, kinh phí hoạt động cho công tác hỗ trợ pháp lý
cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp
huyện còn hạn chế nên chưa tổ chức thực hiện hết các hoạt động hỗ trợ pháp lý
cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
3. Một số chính sách hỗ trợ DNNVV tại Bình Dương
Nhằm đồng bộ hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong năm 2024, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 4895/KH-UBND với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn:
Đối tượng hỗ trợ bao gồm các doanh nghiệp thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chí tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có nhu cầu phát triển hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp, cùng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV cũng nằm trong phạm vi hỗ trợ.
Kế hoạch nhấn mạnh việc hỗ trợ tư vấn và triển khai các giải pháp chuyển đổi số, hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ, kết nối thị trường và phát triển thương hiệu. Doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ trong các thủ tục sản xuất thử nghiệm. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành sẽ được hướng dẫn chi tiết về thủ tục hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Để đảm bảo hiệu quả, các sở, ngành liên quan sẽ tăng cường phổ biến thông tin về các chương trình hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận mạng lưới tư vấn viên trong các lĩnh vực như nhân sự, tài chính và quản trị doanh nghiệp. Các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và đào tạo nghề cho lao động cũng sẽ được tổ chức. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, và tìm kiếm đầu tư từ các quỹ đầu tư cũng như tổ chức tài chính. Có thể thấy, Kế hoạch 4895/KH-UBND là minh chứng cho nỗ lực của tỉnh trong việc đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để DNNVV phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế./.
Kiều Oanh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật