Tăng cường kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp nhằm tăng kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo.

Ngày 11/7/ 2024 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 4900/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Đồng chí  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc tăng cường kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ có Báo cáo 2614/BC-VPCP ngày 05/7/2024, trong đó tóm tắt bài viết đăng trên báo, như sau:
Từ vụ việc một người đứng tên đại diện pháp luật 116 doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian ngắn, báo chí đặt vấn đề về những kẽ hở tướng đối lớn về mặt pháp lý trong quy trình đăng ký, thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Cơ quan đăng ký kinh doanh đã không phát hiện hoặc phát hiện nhưng không kịp thời xử lý, ngăn chặn việc một cá nhân đã sử dụng một căn cước công dân để lập 116 doanh nghiệp trong thời gian rất ngắn. 
Cụ thể, theo bài viết:"Công an TPHCM triệt phá đường dây lập 116 công ty để rửa hàng nghìn tỷ đồng" đăng tải ngày 1/7/2024 trên Báo điện tử Chính phủ, cá nhân này đã đăng ký thành lập 116 công ty, doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài. Địa chỉ đăng ký các doanh nghiệp trải đều các quận, huyện trong thành phố.  Các công ty này được thành lập từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024. Trong đó, tại quận Tân Bình có 22 công ty, quận Tân Phú có 15 công ty, TP. Thủ Đức có 11 công ty, Quận 10 có 10 công ty, Quận 5 có 5 công ty… Trước đó, ngày 2/4, Công an TPHCM nhận tin một công ty có trụ sở tại Ukraine bị một số đối tượng sử dụng địa chỉ email tương tự địa chỉ email của công ty đối tác tại Hàn Quốc để liên hệ, trao đổi giao dịch hợp đồng kinh tế mà 2 công ty đang thực hiện. Việc này khiến công ty tại Ukraine lầm tưởng, sau đó chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng Việt Nam và số tiền này bị chuyển tiếp qua nhiều tài khoản khác trước khi bị chiếm đoạt. Công an xác định, đây là băng nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài, do đối tượng người nước ngoài móc nối đối tượng người Việt Nam hoạt động. Trong 2 tuần, công an đã khám xét 12 địa điểm và bắt giữ 13 đối tượng liên quan và thu hàng trăm con dấu của các công ty "ma". Tại công an, nhóm khai nhận đã xâm nhập email của các công ty đang trao đổi về giao dịch, hợp đồng kinh tế; tạo email giả có tên gần tương tự (chỉ khác một ký tự) với email công ty đối tác của bị hại để liên lạc và nêu lý do khách quan để thay đổi tài khoản giao dịch. Các đối tượng ở nước ngoài chỉ đạo các đối tượng ở Việt Nam thành lập nhiều công ty "ma" có tên giống với tên công ty đối tác để mở tài khoản ngoại tệ USD, tài khoản VNĐ. Sau đó, nhóm cung cấp số tài khoản của công ty "ma" để bị hại lầm tưởng mà chuyển tiền. Khi nhận được tiền vào tài khoản ngoại tệ USD, các đối tượng đứng tên pháp nhân công ty nhanh chóng làm thủ tục đổi sang tiền VNĐ rồi chuyển vào tài khoản VNĐ, tiếp đến, chuyển khoản vào tài khoản của các cá nhân khác tại Việt Nam....
Chính vì thế, việc cho phép một cá nhân thành lập bao nhiêu doanh nghiệp cũng được là chưa hợp lý - cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh doanh. Theo ý kiến của một số luật sư, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu bổ sung các quy định về việc hạn chế số lượng doanh nghiệp mà một cá nhân được phép thành lập, đứng tên đại diện trong cùng một thời gian nhất định. Ví dụ, mỗi năm, một người chỉ được thành lập tối đa 2 - 5 doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có quy định cá nhân chỉ được phép thành lập doanh nghiệp mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp cũ không còn hoạt động.

Ngoài ra, cần triển khai các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, như liên thông hệ thống điện tử cá nhân và đăng ký doanh nghiệp để chống gian lận; bổ sung nội dung thông tin đã thành lập bao nhiêu doanh nghiệp đối với người đăng ký kinh doanh. Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ để tra cứu, xác minh thông tin về địa chỉ, hoạt động kinh doanh, nhân sự đối với những trường hợp thành lập từ 2 doanh nghiệp trở lên; nếu thấy bất thường thì có thể xác minh, điều tra ngay để hạn chế tiêu cực, thiệt hại.

Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ để tra cứu, xác minh thông tin về địa chỉ, hoạt động kinh doanh, nhân sự đối với những trường hợp thành lập từ 2 doanh nghiệp trở lên; nếu thấy bất thường thì có thể xác minh, điều tra ngay để hạn chế tiêu cực, thiệt hại (Bản chụp bài báo kèm theo)”, Công văn nêu rõ.
Bên cạnh đó, tại Công văn này, Phó Thủ tướng Chínhg phủ Phạm Minh Khái Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan khẩn trương nắm bắt, xác minh thông tin báo chí phản ánh; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định của pháp luật, có các giải pháp tăng kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo; báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Uông Đàm Linh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật