Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Cùng với đó, thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, sau nhiều biến động, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện tài chính đang tiếp tục được nới lỏng, nguồn cung lao động gia tăng. Kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng chậm. Hầu hết các tổ chức quốc tế (OECD, IMF và UN) đều nhận định tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2024 sẽ tương đương mức tăng năm 2023, đạt từ 2,7% đến 3,2%. Riêng FR dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt 2,7 nhưng giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2023.
Liên hợp quốc (UN) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,7%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024; Fitch Ratings (FR) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2024; tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo đạt 3,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 5/2024; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đạt 3,2%, giữ nguyên so với dự báo tại thời điểm tháng 4/2024.
Trong khu vực, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của Singapore là 2,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 7/2024; Thái Lan 2,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm; giữ nguyên tăng trưởng của các nước Malaysia là 4,5%; Indonesia 5,0% và Philippines 6,0%. Đối với Việt Nam, ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 6/2024; ADB dự báo đạt 6% (không thay đổi so với dự báo trong tháng 7/2024) và IMF dự báo đạt 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 4/2024.
Trong nước, cơn bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng kinh tế - xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía Bắc. Trước tình hình đó, với quyết tâm nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão lũ, sớm ổn định đời sống của Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng; Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Bộ, ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2024 của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm.
Bước sang năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức song vẫn cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Theo ước tính của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến thời điểm 31/10/2024, cả nước có khoảng 921.372 doanh nghiệp đang hoạt động (tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2023).
- Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2024 tiếp tục đạt kỷ lục mới với 57.312 doanh nghiệp tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2022-2024 (167.029 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 là 121.898 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với năm 2021, gấp 1,5 lần mức bình quân giai đoạn 2022-2024 (129.611 doanh nghiệp). Số vốn đăng ký thành lập trong năm 2024 đạt 1.158.536 tỷ đồng, giảm 1,4% so với năm 2023.
- Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 102.575 doanh nghiệp (chiếm 92,6%, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 83.980 doanh nghiệp, chiếm 75,82% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,53% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 25.694 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 1,39% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1.090 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 0,98% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,17% so với cùng kỳ năm 2023.
- Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 là 57.312 doanh nghiệp, tăng 38,8% so với năm 2023. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy với 22.522 doanh nghiệp; xây dựng với 7.495 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo với 6.555 doanh nghiệp; khai khoáng với 4.220 doanh nghiệp; vận tải kho bãi với 2.844 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống với 2.822 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác với 2.782 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác với 2.429 doanh nghiệp; giáo dục và đào tạo với 1.284 doanh nghiệp; thông tin và truyền thông với 1.277 doanh nghiệp; nghệ thuật, vui chơi và giải trí với 771 doanh nghiệp; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với 456 doanh nghiệp; sản xuất phân phối, điện, nước, gas với 444 doanh nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản với 386 doanh nghiệp; hoạt động dịch vụ khác với 374 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản với 370 doanh nghiệp; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội với 281 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong năm 2024 có 135.267 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,6% so với năm 2023. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 67.4%), cụ thể:
- Về tình hình tạm ngừng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường, đến quý III năm 2024, có 17.353 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 31,34% so với cùng kì năm 2023.
- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 38.680 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 34.546 doanh nghiệp (chiếm 89,3%).
- Số doanh nghiệp giải thể là 13.761 doanh nghiệp, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 15/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 8 tháng năm 2024 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 9.278 doanh nghiệp (chiếm 67,4%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 12.092 doanh nghiệp (chiếm 87,9%, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Nguyễn Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật