Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong xây dựng pháp luật và sắp xếp, tổ chức bộ máy
Ngày 20/11, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Thông báo số 108-TB/VPTW về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Công tác xây dựng pháp luật phải được nâng tầm, đáp ứng yêu cầu đưa đất nước tiến vào Kỷ nguyên mới
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp quán triệt Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp.
Thứ trưởng cho biết, những kết quả công tác của Bộ, ngành Tư pháp trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao; qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước và tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp trong việc ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là những tiền đề quan trọng, vững chắc để Bộ Tư pháp nói riêng và đất nước nói chung bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh các kết quả tích cực, đồng chỉ Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, đồng chí Tổng Bí thư đã nhìn nhận rất sâu về vai trò, tầm quan trọng của thể chế đối với việc nắm bắt cơ hội phát triển, khơi thông và huy động nguồn lực để phát triển đất nước. Đặc biệt, đồng chí đã chỉ rõ, để đáp ứng yêu cầu đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, nhất định công tác xây dựng pháp luật phải được nâng lên ở tầm cao mới.
Để đạt được mục tiêu này, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra 5 nhóm nhiệm vụ cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt trong thời gian tới. Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó phải bắt đầu từ đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Bên cạnh đó, việc xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật hằng năm cần bám sát cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam và thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới; từ đó, hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới; xây dựng cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật “tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia”; đồng thời đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật. Thứ hai, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật. Phải coi việc lãnh đạo thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức đảng, của mỗi đảng viên, trước hết là cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên trong Bộ, ngành Tư pháp. Thứ ba, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Trong đó phải đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp. Thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế hữu hiệu để chủ động phát hiện, tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư; bảo đảm công chứng, hoà giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp phải thiết thực, hiệu quả, vì lợi ích cao nhất của đất nước, của người dân. Phát huy vai trò của trợ giúp pháp lý trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Hiện đại hoá môi trường và điều kiện làm việc để đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật yên tâm công tác, tận tuỵ cống hiến cho sự nghiệp chung; có cơ chế phù hợp thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật … Thứ năm, xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế. Cụ thể, phải nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tham gia xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế, nâng cao trách nhiệm phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước Việt Nam.
Trên cơ sở Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 108-TB/VPTW, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện. Kế hoạch nhằm quán triệt sâu sắc nhận thức và đổi mới mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; đảng viên, công chức, người lao động để triển khai, thực hiện đúng đắn, đầy đủ nội dung Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, gắn với việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm triển khai nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả cao Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; đưa công tác tư pháp, pháp luật lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tập trung thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy
Cùng ngày, Bộ Tư pháp đã tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tại phiên họp, đồng chí Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộcông bố Quyết định số 2194/QĐ-BTP ngày 18/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; đồng thời quán triệt và triển khai Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết này.
Việc tổng kết nhằm đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW; đồng thời đề xuất đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong nhiệm kỳ Chính phủ khoá XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) và đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Việc tổng kết cần đánh giá nghiêm túc, toàn diện, sâu sắc, phản ánh đúng thực tế các kết quả đạt được; nhìn nhận khách quan, chính xác những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp trong 4 nhiệm kỳ Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV đặt trong tổng thể hệ thống chính trị và cơ cấu tổ chức của Chính phủ; đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XVI và giai đoạn tiếp theo bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời bám sát các chủ trương, quan điểm, yêu cầu của Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong quá trình tổ chức tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV.
Xác định đầy đủ nội dung công việc, thời hạn hoàn thành, trách nhiệm của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện tổng kết. Công tác tổng kết của Bộ và tại các đơn vị phải được tiến hành với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, quyết tâm cao, đồng bộ, thống nhất, tiết kiệm và hiệu quả; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để bảo đảm thời hạn, chất lượng và hiệu quả theo yêu cầu.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thông tin và quán triệt các quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vào ngày 19/11/2024.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh yêu cầu từng thành viên Ban Cán sự đảng, Đảng uỷ viên, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải gương mẫu, đoàn kết, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân trong nghiên cứu, tổng kết, đề xuất phương án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời quyết tâm cao, hành động khẩn trương, quyết liệt với tinh thần “dấn thân cho việc khó, việc có giá trị, không chọn việc dễ, việc không có giá trị”. Trong quá trình tổng kết, nghiên cứu, đề xuất phải thực sự lắng nghe với tinh thần cầu thị, khách quan, dân chủ, khoa học để đưa ra các phương án sắp xếp khả thi, hiệu quả nhất.
Về các công việc cụ thể theo Kế hoạch, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng, tính dân chủ, khoa học, cụ thể, bám sát thực tế. Các đồng chí Tổ trưởng Tổ giúp việc, các thành viên, các đơn vị được giao chủ trì xây dựng báo cáo nghiên cứu phải chịu trách nhiệm với các sản phẩm của mình.
Đối với việc nghiên cứu hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trước hết phải nhận thức và hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của mình; từ đó đề xuất thiết kế tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh trong giai đoạn tới. Bộ trưởng cũng lưu ý, các nghiên cứu, đề xuất phải dựa trên nguyên lý cơ bản, tuy nhiên lựa chọn phương án thì phải cân nhắc thêm kinh nghiệm quốc tế, truyền thống lịch sử, điều kiện thực tế đất nước và yêu cầu trong thời đại mới. Cụ thể, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy Bộ, ngành Tư pháp phải được đặt trong tổng thể hệ thống Chính phủ - Cơ quan hành chính cao nhất; xác định những nhiệm vụ nào mình chủ trì và phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương khác; nghiên cứu, tham khảo tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp trong cơ cấu Chính phủ ở các hệ thống pháp luật khác nhau; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển Bộ; đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc đổi mới tư duy về vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác tham mưu cho Chính phủ; cùng với đó yêu cầu các đơn vị xây dựng và thi hành pháp luật sắp xếp tổ chức bộ máy theo quan điểm, chỉ đạo mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng ý kiến, báo cáo thẩm định; yêu cầu các đơn vị hành chính tư pháp thực hiện tinh gọn đầu mối, đa nhiệm vụ; yêu cầu hệ thống Thi hành án dân sự đảm bảo vận hành thông suốt và tăng cường xã hội hoá...
Nguồn: Anh Thư - Trung tâm Thông tin
Cổng TTĐT Bộ Tư pháp