Tìm giải pháp cho vấn đề bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lãi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024

Sáng ngày 09/10/2024 vừa qua, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 (Diễn đàn) đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11 Lê Hồng Phong. Diễn đàn dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.

Diễn đàn có sự góp mặt của đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp và tổ chức đại diện doanh nghiệp, được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 điểm cầu địa phương.
Phiên thảo luận thứ 2 của Diễn đàn: “Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ” có sự tham gia của các chuyên gia, bao gồm: Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia; Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính; Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Tài chính Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA); Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Tại Phiên thảo luận này, các chuyên gia cùng cộng đồng doanh nghiệp đã đề cập đến vấn đề bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lãi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây được xem là một trong những vấn đề pháp lý về thuế có ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây suy giảm nội lực và ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Qua quá trình trao đổi, thảo luận, có thể thấy, hiện nay, Luật thuế TNDN hiện hành không có điều khoản nguyên tắc loại khỏi chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN các khoản chi không đáp ứng điều kiện chi, nội dung chi theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Quy định tại Dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế TNDN liên quan đến khoản chi không đáp ứng điều kiện chi, nội dung chi theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan thuế có xu hướng xử lý loại khỏi chi phí các khoản chi vi phạm các quy định pháp luật chuyên ngành khác. Ví dụ: các khoản chi lương ngoài giờ mà số giờ vượt quá quy định cho phép của Luật Lao động, chi phí cho người lao động nước ngoài trong thời gian chưa có giấy phép lao động, chi phí quảng cáo, khuyến mại mà hoạt động quảng cáo, khuyến mại chưa được thông báo đầy đủ cho Sở Công thương trên địa bàn…v.v. Các xử lý này được hướng dẫn tại các công văn của các Cục thuế địa phương và Tổng Cục thuế và dựa trên căn cứ pháp lý tại điểm b, Khoản 1, Điều 9 Luật thuế TNDN.
Trong thực tế thanh tra kiểm tra thuế, cơ quan thuế thường yêu cầu doanh nghiệp chứng minh mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành đối với từng hoạt động của doanh nghiệp để xem xét việc chấp nhận hay loại bỏ chi phí phát sinh từ hoạt động đó.

Tại dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế TNDN đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, nội dung này đã được ghi cụ thể tại điểm m, Khoản 2, Điều 9 của dự thảo Luật.
Về lâu dài, bảo đảm căn cơ, bền vững, trên cơ sở những đánh giá, rà soát từ thực tiễn, việc dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế TTĐB đang được Bộ Tài chính phối hợp một số bộ, ngành rà soát, dự thảo  để có phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp nhất với nhiều chính sách ưu việt, nhân văn.
Điều đó cũng chính là sự đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta hiện nay trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đó là pháp luật không chỉ để quản lý mà còn để thúc đẩy mạnh mẽ không gian sáng tạo, đổi mới, khơi thông, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp và xã hội cùng phát triển như Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo và nhấn mạnh. Từ đó, sẽ góp phần mở ra không gian kiến tạo, phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.
Đồng thời, tư duy làm luật trong bối cảnh hiện nay là vừa quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật, nhưng vừa mở ra không gian kiến tạo, phát triển để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và làm mới các động lực truyền thống, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp cho phát triển.
Hy vọng rằng những giải pháp căn cơ, mạnh mẽ trên sẽ tháo gỡ những nút thắt cho nền kinh tế trong đó có các khó khăn về thuế mà doanh nghiệp đang gặp phải. Từ đó góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm nay và những năm tiếp theo./.
Nguyễn Thành Huy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật