Hội nghị đối thoại thứ nhất, ngày 26/7/2019, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã trao đổi về những vướng mắc, bất cập của pháp luật về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản đối với các quy định pháp luật cụ thể và các vụ việc cụ thể trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng với hệ thống đăng ký tài sản và thông tin tài sản cá nhân hiện quản lý phân tán như hiện nay (Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) dẫn đến bộ máy cồng kềnh, phần mềm không được thống nhất quản lý nên khó khăn cho các cá nhân, doanh nghiệp tích hợp các hệ thống. Theo ông, các cơ quan nhà nước cần thống nhất một chính sách tích hợp, chia sẻ thông tin để phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin tài sản. Ông Châu đề xuất nên quản lý tập trung một đầu mối đăng ký tài sản là ngành Tư pháp nhằm đảm bảo quyền cơ bản của công dân, đảm bảo các bí mật cá nhân, bí mật gia đình, vừa thể chế hóa quyền tiếp cận thông tin về tài sản của người dân trong thời kỳ hiện nay, hạn chế thấp nhất các rủi ro pháp lý khi giao dịch với các tài sản như các vụ việc cụ thể tại TP. Hồ Chí Minh như trong thời gian qua.
Thẩm phán Nguyễn Công Phú – Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho rằng thực tiễn có rất nhiều tổ chức, cá nhân bị xâm phạm về quyền sở hữu trong thời gian qua trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trong đó một phần nguyên nhân từ quy định pháp luật, cụ thể như việc định nghĩa “giấy tờ có giá”, sự bất hợp lý trong định nghĩa về “bất động sản” trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu khác nhau. Thẩm phán Nguyễn Công Phú kiến nghị cần hoàn thiện Bộ luật dân sự năm 2015 về chế định tài sản; giao dịch tài sản theo hướng xác định rõ hơn các loại tài sản, xác định cụ thể bất động sản; hoàn thiện Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo hướng bảo vệ hiệu quả hơn quyền sở hữu cổ phần, phần vốn góp của cổ đông. thành viên công ty, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người quản lý công ty đối với các cổ đông…
Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản phục vụ cho phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay hướng tới kỷ nguyên số là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay. Nhiều quốc gia coi việc nâng cao chất lượng minh bạch về hệ thống thông tin liên quan đến đăng ký đất đai là mục tiêu để nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế, cụ thể như Brunei, Kazakhtan, Pakistan…
Tiếp theo Hội nghị thứ nhất, Hội nghị thứ hai: đối thoại với doanh nghiệp về các giải pháp nâng cao chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số phá sản doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật ngày 27/7/2019 tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của các chuyên gia, Luật sư, đại diện các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố nhằm đánh giá sự thuận lợi của môi trường kinh doanh của Việt Nam trong tổng số 190 nền kinh tế theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo Quản tài viên Lê Hoàng Nhí, thực tiễn các vụ việc trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh phía nam như Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng… trong thời gian qua cho thấy, có nhiều vướng mắc, khó khăn cần sửa đổi, bổ sung trong việc thi hành pháp luật phá sản, cụ thể như: thiếu hệ thống biểu mẫu cho các thẩm phán, quản tài viên thực hiện; thời gian giải quyết phán sản kéo dài; việc kiểm kê tài sản trong hoạt động phá sản cần được hoàn thiện như thành phần tiến hành kiểm kê tài sản; thời hạn kiểm kê tài sản; các vấn đề đặc thù trong kiểm kê tài sản… Qua đó, Quản tài viên Lê Hoàng Nhí đề xuất việc xây dựng hệ thống biểu mẫu; nâng cao mức phí thực hiện thủ tục phá sản; xem xét, thành lập hiệp hội quản tài viên nhằm phát triển và nâng cao tính chuyên nghiệp hoạt động này.
Tại Hội nghị đối thoại, Ths. Lê Thị Thu Hiền – Phó Chánh Văn phòng, Tổng Cục thi hành án dân sự đã trao đổi về những giải pháp đã triển khai trong công tác thi hành án dân sự góp phần nâng cao chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số phá sản doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật.
Phát biểu kết luận từng Hội nghị đối thoại, TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585 đã đánh giá cao các ý kiến trao đổi tại 02 Hội nghị đối thoại, qua đó các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã đánh giá được những vướng mắc, bất cập của pháp luật về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản; làm rõ các giải pháp nâng cao chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số phá sản doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật. Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) đã thu thập được nhiều ý kiến góp ý cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế đảm bảo quyền tài sản theo các Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như nâng cao các chỉ số A9 (giải quyết tranh chấp hợp đồng) và chỉ số A10 (phá sản doanh nghiệp) theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021./.