Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp đã đưa ra một số vấn đề nhức nhối, trong đó nhấn mạnh sự mất cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ thanh toán của các chủ thể trong hợp đồng giao nhận thầu xây dựng. Hệ thống pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa chủ đầu tư là cơ quan nhà nước và nhà thầu, trong khi chưa có quy định pháp lý rõ ràng đối với chủ đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức tư nhân. Đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất cần bổ sung điều kiện xác nhận khối lượng công việc hoàn thành của các bên vào biên bản nghiệm thu, nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà thầu, đặc biệt là trong vấn đề thanh toán và quyết toán. Đồng chí cũng đề nghị cần làm rõ các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư trong đấu thầu dự án sử dụng đất, quy định về phòng cháy chữa cháy, cũng như các tiêu chí tính thuế đối với nhà thầu xây dựng.
Tiếp nối ý kiến của đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp, đồng chí Trần Phước Tuấn đồng thuận với các nội dung được đề xuất đưa ra tại Diễn đàn và cho biết: Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất cách hiểu, áp dụng luật giữa các luật chuyên ngành liên quan đến dự án bất động sản. Thêm vào đó, vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp cũng gặp nhiều vướng mắc, tiêu biểu việc hoàn thuế còn chưa bình đẳng giữa các lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp với tính đặc thù của mỗi ngành…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Vệ Quốc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam. Đồng chí cũng đề nghị trong thời gian tới các đơn vị tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp để tổ chức thành công không chỉ Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024, mà còn đồng hành cùng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc nhận diện, lắng nghe những tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý trong thời gian tới.
Lưu Thị Mai Anh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật