Phát huy vai trò của Sở Tư pháp trong thực hiện quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Sáng ngày 22/7/2024, tại Khánh Hòa, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo yêu cầu của Nghị quyết số 66/NQ-CP. TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL đồng chủ trì Hội thảo với sự tham dự của đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan và doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Tại Hội thảo, TS. Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, bên cạnh các cơ hội cũng gặp không ít thách thức. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua năm 2017 quy định 08 nội dung hỗ trợ trong đó có hỗ trợ pháp lý. Đây là chính sách có ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp kiến thức và kỹ năng thực thi pháp luật, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phòng ngừa rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định nguyên tắc, hình thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi toàn quốc; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp… xây dựng và đề xuất chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được với chương trình hỗ trợ pháp lý; hoạt động tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiệu quả; một số quy định hiện hành về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp còn hạn chế, bất cập; có những vấn đề pháp lý khi phát sinh có liên quan đến nhiều ngành thì cơ chế pháp lý giải quyết, tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp chưa rõ ràng...
Phó Giám đốc Đặng Văn Khánh thông tin Khánh Hòa là một trong số ít địa phương đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa[1]. Từ năm 2020, UBND đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có các nhóm hoạt động cung cấp thông tin, cảnh báo rủi ro pháp lý; tư vấn pháp luật thông qua đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các sở, ngành, cơ quan đã chú trọng cập nhật, đăng tải các văn bản trên Cổng/Trang tin điện tử của cơ quan, tổ chức; thường xuyên phối hợp với VCCI, Đoàn Luật sư, Hiệp Hội, Phòng Công nghiệp và Thương mại tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Hàng năm, tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giải đáp những vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn một số vướng mắc, đó là các TTHC còn bất cập, doanh nghiệp chưa chủ động đến với chương trình, còn tâm lý e ngại khi tiếp cận, đối thoại. Đồng chí nêu một số giải pháp về đổi mới thể chế, kịp thời rà soát, xử lý, hướng dẫn các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kinh doanh và các luật liên quan đến doanh nghiệp; sử dụng dịch vụ pháp lý để giải đáp những vấn đề pháp luật và đa dạng hóa tư vấn pháp luật (điện thoại, email…).
Theo đồng chí Nguyễn Minh Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định, Quy chế phối hợp trao đổi thông tin, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp; thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư cho doanh nghiệp; tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để trực tiếp giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; nếu chưa giải đáp được tại hội nghị thì tiếp tục giải quyết và thực hiện rà soát hàng tháng. Trước khi tổ chức Hội nghị đối thoại tại tỉnh, cấp huyện phải tổ chức hội nghị đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn. Để thực hiện hỗ trợ pháp lý được hiệu quả, đồng chí đề nghị các doanh nghiệp khi có nhu cầu hỗ trợ pháp lý thì đề xuất, đăng ký với Sở Tư pháp; cần có đầu mối xử lý các đề xuất của doanh nghiệp; cùng với đó, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực nghiên cứu kỹ để thực hiện đúng các văn bản, quy định.
Một số luật sư, doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP theo hướng quy định rõ ràng các nội dung, cấp độ hỗ trợ pháp lý (tư vấn, giải quyết; tư vấn, hỗ trợ; chỉ dẫn, hướng dẫn); mở rộng phạm vi và đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý, bao gồm cả hộ kinh doanh cá thể; quan tâm đến nhóm đối tượng chuẩn bị thành lập và hoạt động doanh nghiệp hoặc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp nhỏ và vừa; cần có cơ sở dữ liệu pháp luật dùng chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, văn bản pháp luật; đặc biệt hỗ trợ pháp lý ngay từ khi mới thành lập doanh nghiệp; đẩy mạnh thông tin, truyền thông pháp luật cho doanh nghiệp; quản lý tư vấn viên pháp luật theo hướng ở trung ương giao cho Bộ Tư pháp và ở địa phương giao cho Sở Tư pháp; có đầu mối thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
Kết luận Hội thảo, TS. Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa đưa ra một số giải pháp thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới. Đó là nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, bảo đảm cho doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý, đồng thời doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu pháp luật; xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý xác định cụ thể các nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và có sự tham gia ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Bộ Tư pháp quan tâm tới công tác quản lý nhà nước, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trong thông tin, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp. UBND tỉnh ban hành các chính sách, bảo đảm nguồn kinh phí triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý; Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các văn bản, chương trình, kế hoạch; huy động được luật sư có năng lực tham gia vào hoạt động hỗ trợ pháp lý; phát huy vai trò của Hội đồng PBGDPL tỉnh, huyện; hoàn thiện thể chế, tăng cường các hoạt động truyền thông về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Nguyễn Thị Thạo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa