Làm tốt hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tăng tính bền vững, sự tự tin cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư

Bình Dương là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn với khoảng 65.000 doanh nghiệp/tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả nước. Đây cũng là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Bình Dương nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân và các sở ban ngành, cơ quan liên quan, đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình cụ thể, thiết thực. Để đánh giá toàn diện thực trạng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, chiều ngày 01/7/2024, Bộ Tư pháp (Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật) đã chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương tổ chức Tọa đàm về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.


TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì Tọa đàm; tham dự có đồng chí Huỳnh Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Trần Trọng Tuyên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội công chứng, Hội Doanh nhân trẻ…), đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trung tâm đào tạo, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số cơ quan báo chí của địa phương.
Tại Tọa đàm, TS. Ngô Quỳnh Hoa cho rằng cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cả nước hiện nay có khoảng 900.000 doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chiếm tới hơn 97%, trong đó Bình Dương có số doanh nghiệp nhỏ và vừa cao so với nhiều địa phương khác. Vì vậy, Tọa đàm rất muốn nhận được sự chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm thực tiễn của các đại biểu địa phương về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để đáp ứng yêu cầu thực hiện một số chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước mới ban hành thời gian gần đây, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến tiếp cận pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể như Nghị quyết số 27-NQ/TW về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới, Nghị quyết số 66 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 41, thì việc đánh giá thực tiễn hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó có giải pháp đổi mới công tác này là rất quan trọng.
Với vai trò của cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương Huỳnh Quốc Anh cho biết các thông tin về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được đăng tải đầy đủ trên chuyên mục “Hỗ trợ doanh nghiệp” của Cổng thông tin điện tử của tỉnh; các sở, cơ quan, báo, đài đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình, hoạt động cung cấp thông tin pháp lý, tư vấn pháp luật, giải đáp vướng mắc về pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổ tư vấn về thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong hơn 06 năm qua đã thực hiện 1.600 trường hợp... Đồng thời, công tác này cũng gặp một số khó khăn như chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chưa thường xuyên bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; một số doanh nghiệp chưa chủ động tiếp cận hoạt động hỗ trợ pháp lý; chưa có chế độ chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các sở ban ngành với doanh nghiệp còn bị động… Theo đó cần đẩy mạnh truyền thông để doanh nghiệp biết về chính sách này; tăng cường chương trình hỗ trợ chuyên sâu cho các doanh nghiệp; cập nhật thường xuyên thông tin về các tổ chức tham gia vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp của các Bộ, ngành và của địa phương; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ… ) với các cơ quan nhà nước, Đoàn luật sư tỉnh, Hội Luật tỉnh để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức hỗ trợ pháp pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là phương tiện truyền thông đại chúng để mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Một số đại biểu của tổ chức đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Bình Dương chia sẻ rằng, các doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức đúng vai trò của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp có nguy cơ gặp phải những rủi ro. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu có quy định yêu cầu chủ doanh nghiệp phải có phông kiến thức cơ bản khi được thành lập và hoạt động; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, xác định đầu mối thống nhất để doanh nghiệp tìm đến khi cần hỗ trợ pháp lý; xây dựng sổ tay, cẩm nang kiến thức pháp luật cần thiết cho người lao động và người sử dụng lao động… Các đại biểu mong muốn tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn như vậy để các doanh nghiệp được chia sẻ, đề xuất các nhu cầu về hỗ trợ pháp lý.

TS Ngô Quỳnh Hoa ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến chia sẻ, thảo luận của đại biểu tham dự Tọa đàm. Bình Dương là tỉnh làm rất tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cho thấy nhận thức của các cấp ủy, chính quyền cũng như các doanh nghiệp về vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất kịp thời, đầy đủ. Đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục quan tâm, chú trọng tới công tác quản lý nhà nước, truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm được giao; các tổ chức đại diện doanh nghiệp cần phát huy vai trò của mình trong bảo đảm, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp là hội viên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong tìm hiểu pháp luật, chấp hành pháp luật để phòng tránh rủi ro pháp lý, bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, bền vững.
Đồng chí Trần Trọng Tuyên - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương  (ảnh trái) và Ông Lý Ngọc Sơn, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương phát biểu tại Tọa đàm.
 Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tổng hợp, nghiên cứu và đề xuất cụ thể hóa những vấn đề hợp lý trong quá trình tổng kết, đề xuất sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP./.
Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật