Gia tăng nguy cơ phá sản doanh nghiệp xi măng

Trong khoảng thời gian ngắn, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), đại diện cho ngành sản xuất xi măng trong nước có 2 văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, kiến nghị hàng loạt vấn đề nhằm gỡ khó cho ngành xi măng.

Sản xuất cầm chừng

Tiêu thụ chậm (cả trong nước lẫn xuất khẩu), chi phí sản xuất tăng, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5 lên 10%, sức ép môi trường với ngành ngày càng lớn… là những vấn đề khiến hàng chục dây chuyền xi măng phải dừng sản xuất trong năm qua và có thể tiếp tục gia tăng nếu đầu ra không được cải thiện.

“Ngành xi măng đang đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Việc tiêu thụ giảm sâu cả trong nước và xuất khẩu đã gây ra nhiều hệ lụy”, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA nêu trong Công văn kiến nghị.
 

Tính đến năm 2024, cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn/năm, nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.

“Lượng xi măng tiêu thụ nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, còn lượng xuất khẩu năm 2023 bằng 99% năm 2022, tuy nhiên, clinker xuất khẩu chỉ bằng 72% năm 2022. Nhiều doanh nghiệp có thể phải bán một phần nhà máy cho nước ngoài”, theo VNCA.

Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long (Quảng Ninh) thông tin, tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu của doanh nghiệp liên tục giảm sâu. Năm 2023 giảm 20%, quý I/2024 giảm 25%. Nếu tình hình quý II/2024 không được cải thiện, thì sang quý III nguy cơ sẽ phải dừng hoạt động toàn nhà máy.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho hay: “Một dây chuyền quy mô lớn mà dừng thì công tác bảo trì, cũng như chuẩn bị cho khôi phục sản xuất sẽ vô cùng tốn kém, tác động tới các đối tác bạn hàng và đặc biệt là ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của công ty với các tổ chức tín dụng”.

Tại Thanh Hóa - “thủ phủ” của nhiều nhà sản xuất xi măng,  một “ông lớn” là Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh với 2 dây chuyền, công suất khoảng 6 triệu tấn/năm đã phải hoạt động cầm chừng trong năm ngoái, doanh thu lao dốc thê thảm, lợi nhuận tiếp tục âm.

Đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.926 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng kết thúc năm, Xi măng Công Thanh chỉ thu về chưa đầy 500 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch và giảm 70% so với năm trước. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ năm 2023 chỉ đạt 26% và 29% so với kế hoạch đề ra.

Bối cảnh của thị trường xi măng năm 2024 vẫn chưa khá hơn, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu là 744 tỷ đồng, đồng nghĩa các dây chuyền vẫn chưa thể hoạt động liên tục, thông suốt.

Một số doanh nghiệp tư nhân với năng lực sản xuất từ 5 đến hơn 10 triệu tấn/năm cũng xác nhận, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu không cải thiện, nên bắt buộc phải cắt giảm sản lượng để giảm áp lực tiêu thụ, gắng gượng để bán hàng, có dòng tiền trang trải chi phí sản xuất và trả nợ cho ngân hàng.

Kiến nghị đưa thuế xuất khẩu clinker về 0%

Hai năm qua, tiêu thụ xi măng ở trong nước tăng trưởng âm. VNCA kiến nghị Chính phủ có giải pháp, nhất là về công nghệ xây dựng, để tăng lượng tiêu thụ xi măng.

Trong văn bản mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 14/5, VNCA kiến nghị sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng là 0%.

Theo VNCA, clinker và xi măng không phải là đối tượng áp dụng khoản 23, Điều 5, Luật Thuế giá trị gia tăng “Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến theo quy định của Chính phủ”.

Thuế xuất khẩu clinker tăng là trở ngại lớn cho việc bình ổn sản xuất bằng giải pháp xuất khẩu khi tiêu thụ nội địa giảm.

Thuế xuất khẩu tăng, cộng thêm việc xuất khẩu clinker không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, nên các doanh nghiệp xi măng không xuất được hàng, phải dừng sản xuất. Số liệu của VNCA cho thấy, năm 2023, nhiều nhà máy phải dừng sản xuất nửa năm, có nhà máy dừng cả 12 tháng.

Hai năm gần nhất, xuất khẩu xi măng chỉ quanh ngưỡng 30-31 triệu tấn, giảm 15 triệu tấn so với năm cao điểm 2021 (xuất khẩu gần 46 triệu tấn), giá xuất khẩu cũng giảm sâu.

Trong khi đó, dự báo của VNCA và nhiều doanh nghiệp, trong năm 2024, xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục gặp khó, bởi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi...

Thị trường nội địa ảm đạm, tiêu thụ chỉ quanh 60 triệu tấn/năm, trong khi khả năng sản xuất thực tế có thể lên tới 130 triệu tấn, nếu không xuất khẩu được, nguy cơ phá sản tăng. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tăng, có thể thiếu xi măng như giai đoạn trước năm 2010.

Ngành xi măng đang khó khăn nhất trong 120 năm hoạt động, khi sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu xi măng và clinker suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò.

Nguồn: Báo Đầu Tư