Tham dự buổi làm việc có ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI; Bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám Đốc Văn phòng giới sử dụng lao động; Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Giám Đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Bà Phan Minh Thủy - Phó Ban pháp chế VCCI.
Về phía Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp có đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cùng một số thành viên Tổ công tác triển khai Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại buổi làm việc, các đơn vị đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong thời gian qua, phát huy vai trò của mình, với tư cách bảo vệ quyền lợi của giới chủ doanh nghiệp, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, truyền thông, phổ biến pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đại diện VCCI, hiện các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và nhận biết các chính sách mà Nhà nước ban hành. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với công tác tự hỗ trợ pháp lý chưa tốt, nhân lực và kinh phí các doanh nghiệp dành ra cho công tác tự hỗ trợ pháp lý còn hạn chế, dẫn đến việc hoạt động kinh doanh, sản xuất còn gặp nhiều rủi ro, vướng mắc pháp lý. Bên cạnh đó, văn hóa sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật còn chưa được sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khu vực phía Bắc. Phần lớn các doanh nghiệp còn chưa chủ động tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp lý nhằm dự báo và phòng ngừa những rủi ro pháp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật hiện nay được các doanh nghiệp đánh giá là còn phức tạp. Một số hình thức phổ biến pháp luật truyền thống không còn phù hợp, hiệu quả, khó thu hút được doanh nghiệp. Do đó, cần đổi mới công tác hỗ trợ pháp lý theo hướng có ưu tiên cho nhóm doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các lĩnh vực pháp luật cần gắn với đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ. Nguồn ngân sách nhà nước còn rất hạn chế nên trong dài hạn, cần đẩy mạnh cơ chế thị trường đối với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc chủ động trả phí cho dịch vụ tư vấn pháp lý. Phía cơ quan quản lý Nhà nước theo đó cần xây dựng những tiêu chuẩn, chính sách đảm bảo doanh nghiệp sẽ nhận được những dịch vụ tư vấn pháp lý có chất lượng tương xứng với khoản chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra.
Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL ghi nhận và đánh giá cao những chia sẻ thiết thực của các đại diện đơn vị chức năng có liên quan của VCCI đối với thực tiễn triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại đơn vị, mong rằng thời gian tới, hai đơn vị sẽ hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa đặc biệt là trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Là đại diện bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, VCCI có thể nắm băt một cách kịp thời, nhanh chóng, đây đủ các kiến nghị, vướng mắc về pháp luật của doanh nghiệp, do đó VCCI cần tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng để giải đáp, tháo gỡ, hướng dẫn những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, những vướng mắc pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.
Trên cơ sở đó, các đơn vị thống nhất việc triển khai nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới cần được đẩy mạnh và có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên. Các bên tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin, phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể, đây cũng là yêu cầu của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. VCCI có thể tham gia triển khai một số hoạt động phù hợp với vai trò và nguồn lực của mình, trong đó có các hoạt động như tổ chức các diễn đàn đối thoại, hội thảo, truyền thông… Qua đó góp phần đưa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai thực chất, hiệu quả, đúng và trúng đối tượng.