Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính; Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính về tình hình sản xuất xuất khẩu thủy sản và các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính của doanh nghiệp (DN) thủy sản, tháng 11-2023.
Theo đó, một trong những khó khăn mà DN thủy sản phản ánh gần đây là tình trạng có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm.
VASEP cho rằng dưới góc độ quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra là hoạt động cần thiết nhằm bảo đảm kỷ cương và pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích từ việc thanh tra, kiểm tra đem lại thì một vấn đề nổi lên không kém phần nan giải là tình trạng hiện nay nhiều DN phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm. "Dù cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau. Đặc biệt là lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường... dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra" - ông Hòe nêu.
Theo VASEP, hoạt động thanh tra, kiểm tra với tần suất quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà như hiện nay đã và đang làm phát sinh chi phí cho DN, phần nào làm gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN, nhất là trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn như đơn hàng và giá cả sụt giảm, thiếu hụt lao động sản xuất, chi phí đầu vào tăng liên tục…; đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng, ban hành năm 2017.
Chỉ thị này nêu rõ: "Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm đối với DN; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động Kiểm toán Nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN; cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên".
Do đó, VASEP kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; cắt giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết đối với DN, thực hiện đúng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Hoàng Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy, cho biết mỗi năm có 4-5 đoàn đến kiểm tra như: môi trường, phòng cháy chữa cháy, kinh tế, an toàn thực phẩm, quản lý thị trường. Công ty phải cắt cử 2 nhân viên chuyên để phục vụ các đoàn kiểm tra. Mỗi đoàn, họ không chỉ kiểm tra một ngày là xong mà kéo dài cả tháng. Nhân viên công ty phải cung cấp hồ sơ cho cơ quan chức năng đủ các loại giấy tờ, bổ sung hồ sơ liên tục.
"Có đoàn kiểm tra theo kiểu "vạch lá tìm sâu" thì không thể tránh khỏi bị phạt. Tâm lý lãnh đạo DN hoang mang, suốt ngày chỉ lo tập trung làm hồ sơ cho chỉn chu, không còn tâm trí đâu mà lo đến sản xuất - kinh doanh khi bị thanh tra, kiểm tra nhiều" - ông Thủy nói.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết DN rất mệt mỏi với các đoàn kiểm tra trong năm với nhiều lĩnh vực như môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy.
"Có kiểm tra là có sai phạm. DN rất khó đúng 100% vì các quy định không rõ ràng, mỗi nơi áp dụng một kiểu. Ngay cả cán bộ cấp xã, huyện nhiều khi cũng không nắm rõ được quy định" - ông Ngọc nói.
Theo lãnh đạo một DN chuyên sản xuất mặt hàng thủy sản xuất khẩu, chưa bao giờ DN chỉ tiếp một đoàn thanh tra, kiểm tra trong năm mà thường từ 5 đến 6 đoàn. Ngoài các đoàn có quyết định thanh tra, kiểm tra còn rất nhiều đoàn xuống làm việc dưới hình thức "giấy giới thiệu" nhưng DN vẫn phải cung cấp rất nhiều hồ sơ, giấy tờ làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Riêng lĩnh vực hoàn thuế GTGT, quý nào DN cũng phải làm việc với cán bộ thuế vì tình trạng một số hóa đơn đầu vào của DN xuất phát từ các DN bị đóng mã số thuế, chủ DN bỏ trốn dù thời điểm DN mua hàng mã số thuế của DN trên vẫn hợp lệ nhưng bị vạ lây.
Chủ DN này cho hay để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, cần sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng rõ ràng, dễ thực hiện.
Mới đây, tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với DN Hàn Quốc, nhiều DN đã đặt vấn đề thời gian qua có tình trạng cơ quan chức năng liên tục tới DN kiểm tra về môi trường, phòng cháy chữa cháy làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất, gây tâm lý lo ngại cho DN.
Trước phản ánh này của DN, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - đã chỉ đạo sở ngành, địa phương phải giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN một cách sớm nhất, không nên đến tận nhà máy kiểm tra nhiều, kể cả việc xử lý mạnh tay đối với DN, mà cần tăng cường hướng dẫn, nhắc nhở, hỗ trợ DN hoàn thiện các thủ tục pháp lý và thực hiện các vấn đề còn vướng mắc.
"Từng ngành thành lập các tổ xử lý thông tin nóng trên đường dây nóng để tiếp thu ý kiến, kiến nghị của DN, để giải quyết, giải thích kịp thời những vấn đề phát sinh" - ông Lợi lưu ý.
Theo ông Lợi, nếu DN nào cần gặp gỡ bí thư, chủ tịch hoặc lãnh đạo tỉnh để trao đổi thông tin thêm thì có thể đăng ký. "Cứ vào ngày thứ hai đầu tuần, chúng ta gặp gỡ nhau tại Trung tâm Hành chính tỉnh để trao đổi nhằm giải quyết những khó khăn. Trên tinh thần đó để làm sao tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh, cung cấp dịch vụ thông minh cho DN và cùng thấu hiểu lẫn nhau để xây dựng niềm tin, để cùng nhau phát triển" - ông Lợi nói.
Ngày 18-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng đây là vấn đề lo lắng của nhiều DN, đặc biệt vào dịp cuối năm. Theo ông Doanh, một số DN phản ánh với ông về việc cứ đến dịp cuối năm lại phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra trong trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
"Mỗi lần có đoàn thanh tra, kiểm tra, DN phải bố trí nhân sự để tiếp đón, cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Chưa kể, DN phải tốn kém các khoản chi phí trong thời gian thanh tra, kiểm tra. Trong khi đó, cuối năm là dịp DN cần tập trung đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, hoàn thành những đơn hàng đã ký kết để đạt các mục tiêu về tăng trưởng cho cả năm" - TS Lê Đăng Doanh nói. Ông cho rằng đây là bất cập cần được xem xét để giải quyết thấu đáo, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.
Theo TS Lê Đăng Doanh, Chính phủ đang nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, do đó cần khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo đối với các DN hoặc tập trung nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra vào dịp cuối năm.
Do các quy định không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau nên DN khó đáp ứng quy định 100%. Từ đó, dẫn đến việc DN phải "biết điều" với đoàn thanh tra, kiểm tra để tránh bị phạt. Điều này bị một số cán bộ, công chức lợi dụng để trục lợi" - chủ một DN bày tỏ.
Cần ứng dụng công nghệ số
Theo TS Lê Đăng Doanh, chỉ nên tập trung thanh tra các đơn vị có dấu hiệu bất thường hoặc phát hiện có các vi phạm. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra để giảm bớt thời gian cho DN.
Để thực hiện việc này, TS Lê Đăng Doanh đề xuất Chính phủ có chỉ đạo kịp thời để các bộ ngành, cơ quan liên quan triển khai, bảo đảm tinh thần tạo môi trường thuận lợi cho DN, đặc biệt trong thời điểm còn đối mặt nhiều khó khăn như hiện nay. Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra hằng năm, TS Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh đến yếu tố công khai, minh bạch kế hoạch để tránh chồng chéo giữa các cơ quan, gây khó khăn cho DN.
M.Chiến
Báo người Lao động