Hội nghị đối thoại chuyên sâu tư vấn về đàm phán, ký kết hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hội nghị đối thoại tổ chức ngày 28/9/2023

Ngày 28 tháng 9 năm 2023 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, đã phối hợp tổ chức Hội nghị  đối thoại chuyên sâu trao đổi về Chuyên đề: “Tư vấn về đàm phán, ký kết Hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tư pháp năm 2023.
Tham dự hội nghị có các Hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, một số Tổ chức Hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh, các Giảng viên khoa Luật, Đại học Huế và các cơ quan tổ chức có liên quan đến công tác Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong kế hoạch phát triển kinh tế-  xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế (
Giai đoạn 2021- 2025) là tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch - dịch vụ, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa... Chỉ tiêu đặt ra là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh tăng từ 7 - 7,5; trong đó, các ngành dịch vụ tăng 8,6%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,5%, nông- lâm- ngư nghiệp tăng 2,23%; thu ngân sách Nhà nước đạt 6.830 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên mức 1 tỷ USD; giải quyết việc làm mới cho 16.000 lao động. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biết động, ảnh hưởng đến sức sản xuất trong nước, lãnh đạo tỉnh với phương châm “Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”, chính vì vậy, việc thực hiện các giải pháp, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp luôn được chú trọng, đề cao, đáp dứng kịp thời nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp ghi nhận những hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành đã dành cho Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19, nhưng vẫn  dành cho Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh những hoạt động bồi dưỡng, tập huấn cụ thể; Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng mong muốn trong thời gian tới, các cơ cơ quan Nhà nước, các tổ chức đại diện doanh nghiệp cấp quốc gia như VCCI, VINASME… tiếp tục có những hỗ trợ bằng các chương trình, dự án để các doanh nghiệp của tỉnh có điều kiện tiếp cận với các thông tin và chính sách hỗ trợ của nhà nước, tăng cường năng lực nội sinh cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã đối thoại, chuyên sâu chia sẻ chuyên đề pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp về hợp đồng, đặc biệt là những bất cập quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng, vướng mắc trong thực hiện hợp đồng xây lắp, đây cũng được coi là một dạng của Hợp đồng thương mại.
Qua trao đổi, đối thoại, thấy rằng “Rủi ro trong xây dựng thì hợp đồng vẫn là một văn bản pháp luật không được quan tâm thoả đáng gây cho thiệt thòi của nhà thầu xây dựng. Tiếp đến mâu thuẫn giữa các Luật là vấn đề lớn, mặc dù các doanh nghiệp đã nhiều lần có ý kiến, hiện mỗi một Luật quy định một khác, ví dụ như hợp đồng xây dựng hiện nay có 4 Luật quy định đó là: Dân sự, Đấu Thầu, Xây dựng, Luật Thương mại, song mỗi một luật lại quy định khác nhau, điều nay gây khó khăn cho điều hành của các nhà thầu”,
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong hoạt động xây dựng phát sinh những tranh chấp trong hợp đồng như: tranh chấp liên quan đến thiết kế; các yêu cầu bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng bị chậm trễ, không bảo đảm chất lượng; bồi thường trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng; yêu cầu liên quan đến bảo hiểm công trình; yêu cầu liên quan đến bảo hành công trình, chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng…

Để phòng ngừa phòng ngừa các rủi ro tranh chấp Hợp đồng xây dựng, các doanh nghiệp kiến nghị kiến nghị: “Cần nâng cao chất lượng soạn thảo hợp đồng, cần lường hết được phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng. Sử dụng từ ngữ rõ ràng để tránh các bên lợi dụng để phạt vi phạm hợp đồng. Điều chỉnh bằng các phụ lục hợp đồng, tránh hoàn thành công trình mới xem xét gây ra tranh chấp khó xác định. Thực hiện quản lý hợp đồng trong quá trình thi công tuân thủ các điều khoản của hợp đồng tránh các tranh chấp để có căn cứ củng cố hồ sơ chứng minh vi phạm khi xảy ra tranh chấp”. Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức pháp luật cho chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp, bồi dưỡng cán bộ pháp chế đủ năng lực để tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp.