Hội nghị đối thoại chuyên sâu tư vấn về chính sách, vướng mắc trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo qua một số vụ việc cụ thể
Hội nghị tổ chức ngày 22/9/2023 tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương
Ngày 22 tháng 9 năm 2023 Tại Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, được sự đồng ý của Ban quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giai đoạn 2021 – 2025, Trung tâm Hỗ trợ pháp lý và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội DNNVV Việt Nam) phối hợp với Phòng Tư pháp Thành phố Chí Linh, UBND phường Văn An, thành phố Chí Linh, tổ chức hội nghị đối thoại chuyên sâu với chủ đề “Tư vấn về chính sách, vướng mắc trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo qua một số vụ việc cụ thể” tại TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chương trình về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giai đoạn 2021 – 2025. Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyếntại TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương và có phát trực tuyến qua nền tảng zoom để các đại biểu ở các tỉnh thành xa có điều kiện tham dự.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp, Phòng Kinh tế - kế hoạch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, lãnh đạo Đảng Ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phường Văn An TP. Chí Linh, Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ pháp lý và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội DNNVV Việt Nam), đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các hội đoàn thể trên địa bàn thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương.
Mục đích Hội nghị nhằm tuyên truyền đến cộng đồng DNNVV, các tổ chức hành nghề tư vấn, các công ty mới khởi nghiệp gia nhập thị trường về các chính sách, quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, thay mặt cho các đơn vị cùng phối hợp tổ chức Hội nghị, đã phát biểu, kể từ khi thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương được nâng cấp đô thị lên thành phố, kinh tế - xã hội đã có nhiều mặt rất phát triển, số lượng các doanh nghiệp thành lập mới năm sau luôn tăng hớn năm trước, đặc điểm TP. Chí Linh là nơi có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài, sau khi kết thúc thời gian làm việc trở về nước, có tay nghề cao, có nhu cầu khởi nghiệp, ra nhập thị trường, bên cạnh đó các hoạt động kinh tế tại địa phương như phát triển du lịch, nông sản (vải thiều Chí Linh), sản xuất vật liệu xây dựng… cũng diễn ra rất sôi động. Vì vậy nhu cầu cần hỗ trợ, tư vấn về chính sách, pháp luật trong quá trình kinh doanh, gia nhập thị trường là rất lớn.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Phòng Kinh tế - Kế hoạch cho biết, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xúc tiến đầu ra của sản phẩm, hàng hoá, kinh nghiệm quản trị...Nhận diện các rào cản, hệ thống chính sách, pháp luật thúc đẩy khởi nghiệp về cơ bản đã tương đối đầy đủ, nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gặp phải một số rào cản trong quá trình huy động, tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và các quỹ đầu tư rủi ro, kinh nghiệm quản trị chưa có, do vậy, việc thành lập sau đó rút lui khỏi thị trường cũng nhiều.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp phần lớn quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ, cá biệt chỉ là một nhóm cá nhân tập hợp để xây dựng ý tưởng sáng tạo. Do vậy, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính đều hạn chế, thiếu hoặc không có tài sản bảo đảm, quyền sở hữu đối với tài sản lại có thể không rõ ràng. Vì vậy, thông thường, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó đáp ứng được các điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.
Tại hội nghị, các Đại biểu và các Giảng viên, Chuyên gia đã trao đổi về pháp luật nhượng quyền thương mại, bồi thường thiệt hại khi thực hiện các hợp đồng thương mại, các chuyên gia cho biết, hiện nay nhiều mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu trong các lĩnh vực ăn uống, bán lẻ, thời trang, sức khỏe và làm đẹp… mang lại kết quả khả quan. Đây được xem là hướng đi mới cho các startup trên địa bàn cả nước cũng như TP. Chí Linh, một trong những lợi ích lớn nhất là các startup được nhận sự hỗ trợ về các chiến lược marketing quảng bá từ bên nhượng quyền. Bên nhận nhượng quyền được sử dụng thương hiệu của bên nhượng quyền, điều này giúp các startup rút ngắn khoảng thời gian tiếp cận khách hàng. Đây cũng là mô hình kinh doanh ít rủi ro bởi bên nhận nhượng quyền sẽ áp dụng mô hình kinh doanh đã được thiết lập từ trước. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý, hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của các bên, thủ tục nhượng quyền, các điều khoản bảo đảm cam kết về bảo vệ thương hiệu…Ngoài ra, các startup cũng có khả năng mất hợp đồng, chấm dứt hợp đồng nhượng quyền rất cao khi không thực hiện đúng các cam kết. Do đó, khi ký kết các hợp đồng nhượng quyền, việc trang bị các kiến thức pháp lý là rất cần thiết cho các startup.