Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Theo đề nghị tại Công văn số 3573/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 31/8/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội , trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ thẩm định , BTP tổ chức cuộc họp ngày 12/9/2023 của Hội đồng thẩm định (được thành lập theo Quyết định số 2183/QĐ-BTP ngày 08/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tham dự cuộc họp thẩm định có: các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Tài chính, Nội vụ, Giao Thông và Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật Quốc tế; Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật;).

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Đ/c Tống Văn Lai trình bày tóm tắt về quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị định với các nội dung chính như:
1. Cơ chế tiền lương đối với dn nhà nước thực hiện theo Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, Nghị định số 52/2016/NĐ-CP qua 7 năm thực hiện có nhiều bất cập và theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách tiền lương, và Nghị quyết số 12/NQ-TW sắp xếp doanh nghiệp nhà nước bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, đên nay đã 2 lần lùi thời hạn thực hiện. tên tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW cải cách theo hướng mở như thị trường, không còn phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước hay ngoài nhà nước gắn với năng xuất, hiệu quả. Với mục đích cởi trói một phần cho doanh nghiệp nhà nước về chính sách tiền lương, giúp doanh nghiệp nhà nước phát triển ổn định thì việc sửa đổi, bổ sung 02 Nghị định nêu trên là cần thiết trong bối cảnh hiện tại.
2. Về Quan điểm và nội dung sửa đổi bổ sung chỉ sửa các vấn đề cơ bản, bất cập lựa chọn các vấn đề cần thiết phải sửa ngay, tạo thuận lợi khi tiến hành cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW.
3. Xử lý chính sách tiền lương cho các đơn vị có tính chất đặc thù mà cơ chế hiện nay đang không thực hiện được hoặc khó thực hiện hoặc còn nhiều bất cập.


Trên cơ sở trình bày của cơ quan chủ trì soạn thảo, các thành viên hội đồng thẩm định về cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
Đối với nội dung dự thảo Nghị định các thành viên cũng có một số ý kiến cụ thể như sau:
- Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp tục bảo lưu xếp hạng của các đơn vị tiền gửi, không cần xếp hạng lại. Vì các đơn vị tiền gửi có nhiều yếu tố đặc thù, khách quan.
- Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ yếu tố khách quan, yếu tố bất khả kháng là gì để thuận lợi cho việc áp dụng, thực thi Nghị định sau khi ban hành.
- Trong quy định về xếp hạng doanh nghiệp có một số bất cập không đảm bảo điều kiện xếp hạng. nên quy định cụ thể để áp dụng cho phù hợp với thực tiễn. Các yếu tố khách quan đã có đầy đủ tuy nhiên, đối với các dn không thuộc đối tượng nào chỉ chờ giải thế, phá sản bổ sung thêm nội dung này vào nội dung nghị định. 
- Đài truyền hình Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, được Chính phủ cho phép thực hiện chính sách tiền lương như doanh nghiệp nhà nước.. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định này là hết sức cần thiết.

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu các ý kiến của thành viên họp thẩm định và giải trình một số ý kiến của cuộc họp Hội đồng thẩm định.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của thành viên Hội đồng, đồng chí Cao Đăng Vinh đã có ý kiến vê nội dung dự thảo Nghị định, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện Tờ trình theo quy định tại Nghị định 34/2016/NĐ-CP, rà soát hoạn thiện nội dung dự thảo Nghị định và chỉ đạo xây dựng báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp.