Hội nghị đối thoại: Các bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại được giải quyết bằng Trọng tài, Hòa giải thương mại và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Hội nghị được tổ chức tại thành phố Hà Nội vào ngày 12/8/2023

Ngày 12/8/2023, tại Hà Nội, trên cơ sở phê duyệt của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Tư pháp, Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (PACC) phối hợp với Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội (FBU) tổ chức Hội nghị đối thoại các bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài, hòa giải thương mại và đề xuất hoàn thiện pháp luật. TS. Trương Hồng Hải - Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh tế, FBU và TS. Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch PACC đồng  chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Trương Hồng Hải - Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh tế, FBU cho hay, từ khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 được soạn thảo và có hiệu lực cho tới nay, số lượng trung tâm trọng tài cũng như số lượng trọng tài viên ở Việt Nam đã tăng đáng kể, đây cũng là một xu hướng GQTC và hoàn toàn phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã dần bộc lộ một số bất cập cần được nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện thực trạng pháp luật về trọng tài thương mại, hòa giải hiện hành, qua đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật.

 Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch PACC chia sẻ, theo thống kê sơ bộ, trong 10 năm (2011 - 2020), các Trung tâm trọng tài đã giải quyết được khoảng 2.900 vụ tranh chấp. Không những số lượng vụ việc trọng tài thụ lý tăng lên mà các lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú hơn, tuy nhiên chủ yếu vẫn xuất phát từ các giao dịch mua bán hàng hóa. Bên cạnh đó, phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải cũng chưa được nhiều doanh nghiệp chú ý bởi họ cho rằng, hòa giải không có quy định và cơ chế ràng buộc thi hành đối với các bên.
Một số vấn đề lớn được thảo luận, thống nhất tại Hội nghị bao gồm: Thống nhất khẳng định và làm rõ thêm về phương diện lí luận và thực tiễn về vai trò, ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải; đánh giá những điểm tiến bộ cùng các bất cập, tồn tại trong quy định pháp luật hiện hành về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải; làm rõ những khó khăn, bất cập và nguyên nhân vấn đề trong thực tiễn áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải.

Tại phiên thảo luận của Hội nghị, các chuyên gia, đại biểu thảo luận về quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải, từ đó rút ra các bất cập, hạn chế còn tồn đọng cũng như bài học kinh nghiệm trong công tác giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, một số vấn đề nghiên cứu, tham mưu cụ thể được đưa ra tại Hội thảo như: Vấn đề giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử; nghiên cứu, so sánh Luật Trọng tài thương mại 2010 với Luật mẫu Uncitral về hòa giải thương mại và các khuyến nghị cho Việt Nam.

Từ đó, các đại biểu đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện pháp luật, nâng cao tính khả thi trong quá trình thực thi pháp luật, tạo sự thuận lợi cho các bên trong quan hệ tranh chấp cũng như các trung tâm trọng tài và cơ quan liên quan, tạo khung hành lang pháp lý vững chắc, đồng bộ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Hội nghị đã đem đến góc nhìn đa dạng về phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hòa giải; các đề xuất, kiến nghị được tổng hợp từ Hội nghị sẽ là cơ sở để các tham mưu, góp ý hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm góp phần nâng cao năng lực hoạt động trong việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hòa giải.