Theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng về đánh giá nguyên nhân việc tụt hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố, thì năm 2022, chỉ số PCI của Đà Nẵng đạt 68,52 điểm, xếp thứ 9 cả nước, giảm 1,9 điểm và giảm 5 bậc so với kết quả năm 2021.
Đây vị trí xếp hạng thấp nhất của Đà Nẵng trong 10 năm trở lại đây.
Theo UBND TP.Đà Nẵng, nguyên nhân khách quan là bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường chưa hồi phục hoàn toàn ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và cảm nhận chung của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Việc triển khai hóa đơn điện tử bắt buộc trong năm 2022 gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Các quy định, thủ tục liên quan về việc kinh doanh có điều kiện đặc biệt trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy còn gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Về nguyên nhân chủ quan, theo UBND TP.Đà Nẵng vẫn còn tình trạng người dân hoặc doanh nghiệp “vẫn phải đến trực tiếp bộ phận một cửa để công chức hướng dẫn, yêu cầu quét hồ sơ, tài liệu tại chỗ” dù thủ tục được tiến hành trực tuyến.
Đáng chú ý, việc thực hiện các thủ tục hành chính vẫn làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Kết quả PCI 2022 cho thấy có 27,7% doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật - xếp hạng 48/63 địa phương.
Ngoài ra, các chỉ tiêu về “Thời gian đăng ký doanh nghiệp - số ngày” mặc dù vẫn duy trì ở mức 10,5 ngày như năm 2021, tuy nhiên vẫn còn khá cao so với mốc 6 ngày năm 2020.
Chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm, tuy nhiên các hành vi cũng như tình trạng nhũng nhiễu trong thực thi công vụ ở một vài lĩnh vực còn khá phổ biến…
Thành phố Đà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm để chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. |
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 5/2023 của Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng, ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch HĐND Đà Nẵng cho biết, kết quả cụ thể PCI năm 2022 cho thấy, Đà Nẵng có 6 chỉ số thành phần giảm điểm và 4 chỉ số thành phần tăng điểm.
Trong đó có những chỉ số giảm điểm rất đáng lo.
Như chỉ số thành phần doanh nghiệp cho rằng có hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến, đã tăng từ hơn 57% lên hơn 73%, xếp thứ 36/63 tỉnh thành.
Ngoài ra, chỉ số thành phần là tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thực hiện thủ tục đất đai tăng mạnh từ 9% lên hơn 45%, xếp thứ 42 lên 63 tỉnh thành.
Ông Trần Phước Sơn đề nghị cần phân tích đánh giá để từ đó có giải pháp căn cơ hơn, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh. Đông thời, trong giải pháp sắp tới, phải gắn cải cách hành chính với cải thiện môi trường đầu tư, xem là giải pháp trọng tâm, then chốt…
Theo UBND TP.Đà Nẵng, giải pháp trọng tâm trong thời gian đến, Thành phố sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và tính chủ động của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố trong việc thực hiện các chức năng hỗ trợ doanh nghiệp nhằm sớm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Đồng thời nghiên cứu xây dựng, triển khai mô hình kết nối thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng chính thức Bản đồ số về các dự án kêu gọi đầu tư vào thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, TP.Đà Nẵng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến kết luận thanh tra; vướng mắc liên quan đến quy hoạch, thủ tục đầu tư; đặc biệt vướng mắc liên quan đến đất đai, các dự án bất động sản, đô thị.
Đẩy mạnh việc xây dựng và vận hành Chính quyền số, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế các điều kiện phát sinh chi phí không chính thức…