Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 18/QĐ-BTP ngày 06/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2023 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 ban hành Kế hoạch số 1237/KH-HTPLLN ngày 04/4/2023 tổ chức các hội nghị đối thoại, lớp bồi dưỡng về các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp năm 2023. Để thực hiện theo Kế hoạch đã ban hành, ngày 16/6/2023, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Chương trình HTPLLN) tổ chức Hội nghị đối thoại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với nội dung về “Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) – Một số vấn đề doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quan tâm và góp ý hoàn thiện”.
Hội nghị đối thoại do ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ trì. Tham gia hội nghị có ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Đăng Vinh nhấn mạnh: Ngày 13/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; trong đó, dự án Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2023. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan và địa phương xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi); lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia góp ý của các Ban, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, người lao động, người sử dụng lao động và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật BHXH (sửa đổi). Ngày 29/5/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản số 1963/LĐTBXH-BHXH gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định Dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Luật BHXH lần này sẽ được sửa đổi căn bản, toàn diện nhằm mục tiêu:
- Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lưc lượng lao động.
- Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.
- Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Thay mặt Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Trần Hải Nam trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và những nội dung doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quan tâm. Cụ thể:
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Luật này quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội; trình tự, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội.
Về đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc (Điều 3): Bổ sung đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc: (k) Người lao động làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất; (m) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8): (1) Chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội; (2) Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; (3) Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội; (4) Sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội không đúng quy định pháp luật; (5) Truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội; (6) Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về bảo hiểm xã hội; xuyên tạc về chính sách bảo hiểm xã hội; (7) Cộng tác, bao che, giúp sức cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội hoặc cản trở người khác thực hiện nghĩa vụ đóng, không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về bảo hiểm xã hội; (8) Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (9) Cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức.
Về quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội (Điều 16): Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động.
Về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động (Điều 24, 25):
- NSDLĐ có quyền: (1) Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; (2) Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; (3) Được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định;
- NSDLĐ có trách nhiệm: (1) Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (2) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội; (3) Giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động; (4) Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động, thân nhân của người lao động trong trường hợp người lao động, thân nhân của người lao động chọn phương thức chi trả qua người sử dụng lao động; (5) Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và cơ quan bảo hiểm xã hội; (6) Bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật này mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Về thời hạn đăng ký tham gia BHXH (Điều 34): Trong thời hạn 05 ngày làm việc (hiện hành là 30 ngày) kể từ ngày giao kết HĐLĐ, NSDLĐ nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (Điều 37): (b) Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. (e) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất, cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.
Thời hạn đóng BHXH bắt buộc (Điều 40): Thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động: (a) Ngày thứ 10 của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; (b) Ngày cuối cùng của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần; (c) Ngày cuối cùng của tháng thứ 04 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 06 tháng một lần; (d) Ngày cuối cùng của tháng thứ 07 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 43): Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các hành vi: (1) Người sử dụng lao động không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký không đủ số người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định. (2) Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng theo quy định. (3) Người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
Xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội (Điều 44): (1) Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điều 43 nếu sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng. (2) Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên. (3) Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên. (4) Cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện ra Toà án đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi được người lao động uỷ quyền.
Trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, đại diện một số cơ quan, sở, ngành tỉnh Lâm Đồng có ý kiến:
Liên đoàn lao động tỉnh Lâm Đồng đề nghị nghiên cứu thêm hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội. Dự thảo luật mới quy định về chiếm dụng tiền hưởng, chưa có quy định về chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội.
Luật sư Mai Tiến Dũng, đề nghị quy định rõ về cơ quan có thẩm quyền hạn chế xuất cảnh, quy định khái niệm người quản lý doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi, hợp lý.
Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc bổ sung chế độ bthai sản vào bảo hiểm xã hội tự nguyện rất là tốt. Đồng thời, việc bổ sung đối tượng chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể là rất hợp lý, nhân văn, góp phần mở rộng lưới an sinh xã hội. Tuy nhiên, khi bổ sung đối tượng này cần tính đến cơ chế giải quyết quyền lợi cho các đối tượng này trước đây đã tham gia bảo hiểm xã hội vì thực tế địa phương đã thu bảo hiểm xã hội của chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Quy định tại dự thảo Luật sẽ chính thức hóa, giải quyết quyền lợi cho người lao động....
Kết luận Hội nghị, ông Cao Đăng Vinh –Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp thu ý kiến của các cơ quan, sở ngành và sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).