Số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu năm cho thấy khu vực doanh nghiệp tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng từ những khó khăn và rủi ro mà nền kinh tế đang đối mặt.
Sau tháng “lập đỉnh” về số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 5/2023 đã quay đầu giảm. Chỉ có 12 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập trong tháng này, giảm 24,2% so với tháng 4/2023 (15.967 doanh nghiệp) và cũng thấp hơn các tháng đầu năm 2023 (ngoại trừ tháng 2/2023 do trùng thời điểm Tết).
Với hơn 12 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5, số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng lên 61,9 nghìn doanh nghiệp, song vẫn giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đà bật tăng mạnh mẽ có được trong tháng 4/2023 đã không thể duy trì, cho thấy tinh thần khởi sự kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn đi xuống khi lo ngại những khó khăn và rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt có thể kéo dài.
Số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường cũng không có nhiều khởi sắc trong 5 tháng đầu năm khi có gần 33 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Sự ảm đạm của khu vực doanh nghiệp còn được thể hiện rõ ở con số rút lui khỏi thị trường. Trong 5 tháng đầu năm có hơn 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 55,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước); 25,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 34,1%) và 7,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%).
Đáng chú ý, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải kho bãi và xây dựng... tiếp tục là những lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất trước những biến động của nền kinh tế. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng nhanh hơn so với số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Không chỉ là những doanh nghiệp ra/vào thị trường, khảo sát tình hình doanh nghiệp tháng 5/2023 được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố mới đây cũng cho thấy những khó khăn mà doanh nghiệp phải trải qua.
Cụ thể, trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; tạm ngừng kinh doanh 12,4%; giảm mạnh quy mô 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%.
Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5% và trong số này có 22,2% dự kiến giảm trên 50%; có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.
Đặc biệt, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh hiện nay đặc biệt thấp. Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong số này có đến 29,6% là rất tiêu cực.
“Trong bức tranh “tối màu” chung đó, doanh nghiệp ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn”, báo cáo nhận định.
Đáng nói là trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2023 phát hành ngày 05-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam