Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tra cứu văn bản pháp luật, Sở Tư pháp đã cập nhật 100% văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, duy trì chuyên mục “Hỏi – đáp pháp luật” trên Hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang (http://thongtinphapluat.bacgiang.gov.vn).
Ông Nguyễn Văn Tuyển, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư 379 (Thành phố Bắc Giang) chia sẻ, thông qua các kênh nói trên, ông vừa nắm được quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng; quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Từ đó có những chỉ đạo, điều hành hoạt động kinh doanh hợp lý, đúng quy định.
Hằng năm, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hội thảo, tập huấn, tọa đàm; biên soạn, cung cấp tài liệu nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp.
Vừa tham gia buổi tập huấn kiến thức về bảo hiểm xã hội do Sở Tư pháp và Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phòng Nhân sự, Công ty Crystal Martin Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên) nói: “Tại hội nghị, chúng tôi thẳng thắn trao đổi những khó khăn trong giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công nhân viên nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà; trợ cấp tiền thuê nhà; giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn bên ngoài công ty…”.
Theo Sở Tư pháp, tính đến ngày 31/3/2022, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành theo chuyên đề về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư. Sau khi xem xét, đối chiếu, Sở Tư pháp và Sở Kế hoạch - Đầu tư nhận định, cơ bản các văn bản đều bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất. Tuy nhiên, 5/28 văn bản cần được xem xét xử lý bằng hình thức sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ do căn cứ pháp lý thay đổi.
Điều này dẫn đến nội dung văn bản không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể là văn bản liên quan đến quy định hỗ trợ đầu tư, quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung; đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo phục hồi; thẩm định công nghệ các dự án đầu tư; đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn nhà nước.
Từ thực tế trên, Sở Tư pháp kiến nghị, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh sớm có những giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung, theo chuyên đề về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư nói riêng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện, áp dụng.
Được biết, những năm qua, cơ quan tòa án hai cấp đã xét xử nhiều vụ án kinh doanh thương mại. Một số doanh nghiệp bị kiện đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu; bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế… Vì thế, vai trò hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan chức năng, nhất là của ngành Tư pháp càng quan trọng.
Bà Trương Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thời gian qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của một số chủ sở hữu, người quản lý còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ. Nhiều nơi chưa quan tâm áp dụng quy định của pháp luật để phòng ngừa rủi ro.
Để công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thực sự hiệu quả, ngành Tư pháp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tư vấn, tuyên truyền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, đề nghị hỗ trợ khi có vướng mắc. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư.
Mạc Yến
Báo Bắc Giang