HỘI THẢO THAM VẤN VỀ DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔ)

Triển khai Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 06/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Ngày 07/4/2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Tham vấn dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chủ trì với sự tham gia của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành địa phương: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình, Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình và một số chuyên gia, nhà khoa học...
Tại Hội thảo, thay mặt Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng chí Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội đã trình bày tóm tắt các nội dung sửa đổi và những điểm mới của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Cụ thể như sau:
Về bố cục: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 133 Điều (Luật BHXH 2014 gồm 09 chương và 125 điều), trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật BHXH 2014, trong đó có bổ sung 02 nội dung mới (trợ cấp hưu trí xã hội và Quản lý thu, đóng BHXH); không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục BHXH mà lồng ghép vào từng chế độ; tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng.
Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã: (i) Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 28-NQ/TW; (ii) Thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (iii) Bám sát 05 chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15; (iv) Tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực bảo hiểm xã hội; (v) Rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật BHXH 2014; (vi) Rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội để đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản. Với 5 nhóm chính sách được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn, cụ thể như sau:
(1) Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội và quy định liên kết giữa trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Luật BHXH 2014 đã quy định về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội (từ Điều 25 đến Điều 30), trong đó quy định:
- Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo[1].
- Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm bắt buộc và tự nguyện) chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Để phù hợp với thực tiễn triển khai trong khuyến khích các địa phương, đảm bảo tính ổn định, không gây xáo trộn cũng như phát sinh tăng nguồn lực thực hiện dự thảo quy định việc tổ chức thực hiện: (i) Đối với trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo do các địa phương thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi; (ii) Trợ cấp hàng tháng (liên kết tầng) do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo do cơ quan BHXH thực hiện.
(2) Dự thảo Luật bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ, phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; (khoản 2 Điều 26).
(3) Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 31): Bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc: (i) Chủ hộ kinh doanh; (ii) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; (iii) Người lao động làm việc không trọn thời gian.
(4) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ như đối tượng cán bộ, công chức).
(5) Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện (mục 1 Chương VI): dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con, do ngân sách nhà nước đảm bảo.
(6) Bổ sung quy định tính tỷ lệ hưởng lương hưu nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế thông qua thực hiện các hiệp định về bảo hiểm xã hội được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các nước, đồng thời phù hợp với quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu (Điều 73). Nội dung sửa đổi này nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW: “Rà soát, sửa đổi các quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội”.
(7) Về điều kiện hưởng chế độ hưu trí sửa đổi theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm  nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu (Điều 71).
(8) Về BHXH một lần, nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: (1) Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu (từ 20 năm xuống còn 15 năm, không áp dụng đối với người hưởng BHXH một lần); (2) Người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm sự lựa chọn: nếu không nhận BHXH một lần thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; (3) Được ngân sách nhà nước mua bảo hiểm y tế; (4) Người lao động được hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp.
Về quy định hưởng BHXH một lần, Ban soạn thảo đang có 02 phương án xin ý kiến (Điều 77):
- Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13): "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".
- Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu".
(9) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện (từ Điều 36 đến Điều 44) nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện thu BHXH và trách nhiệm người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động, góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động như hiện nay.
(10) Bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH (Điều 44): (i) Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế); (ii) Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên; (iii) Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên; (iv) Quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra Toà án; (v) Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật; (vi) Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (khoản 6 Điều 24).
(11) Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc:: Ban soạn thảo đề xuất 02 phương án quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:
Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
(12) Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến sửa đổi các nội dung quy định/chế độ gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành) sau đó được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ (Điều 50, 63, 66, 92,..).
(13) Về chế độ ốm đau: Sửa đổi quy định về ốm đau thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày cho rõ ràng, phù hợp hơn với thực tiễn (Khoản 2 Điều 47); Bổ sung quy định tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày (khoản 5 Điều 49).
(14) Về chế độ thai sản: Sửa đổi một số quy định cho phù hợp với thực tiễn như xác định tuổi thai nhi; quy định “sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý”;..(Điều 57); Sửa quy định về điều kiện đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà con chết để phù hợp với thực tiễn (Điều 65), điều kiện “đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất 04 tháng” không áp dụng đối với trường hợp sau khi sinh con mà con chết.
(15) Về chế độ hưu trí: Quy định thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu/điều kiện về tuổi hưởng lương hưu (Điều 71, 72); Quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính cho đến khi Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (Nghị quyết số 27-NQ/TW). Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian; Quy định về mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trong trường hợp trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, người lao động có khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội liền kề với bình quân tiền lương làm căn cứ đóng của thời gian này cao hơn bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của những năm cuối thì người lao động được chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội liền kề tương ứng để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
(16) Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để  khuyến khích người lao động tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu: Ban soạn thảo đề xuất 02 phương án (Khoản 2 Điều 75).
- Phương án 1: Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
- Phương án 2: Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Luật này mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 02 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
(17) Về chế độ tử tuất: Sửa đổi quy định về điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (Điều 91); Sửa đổi quy định về trợ cấp mai táng theo hướng không quy định về thời gian đóng tối thiểu đối với trường hợp đang tham gia BHXH chết (Điều 90 và Điều 115).
(18) Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội: Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án quy định chi phí quản lý BHXH tại khoản 2 Điều 125:
- Phương án 1: Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu bảo hiểm xã hội.
- Phương án 2: Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, bổ sung quy định trong dự thảo Luật BHXH tại Điều 17 về Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội: Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ, các Phó Chủ tịch và các ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội là 05 năm.
Ngoài ra, tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã trình bày một số tham luận liên quan đến nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như:
(1) Tham luận về khả năng mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội và kinh nghiệm của Trung Quốc (Ông Robert Palacios, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng thế giới Himanshi Jain, chuyên gia kinh tế cao, Ngân hàng thế giới);
(2) Tham luận Thực trạng và một số đề xuất phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam (PGS Giang Thanh Long);
(3) Tham luận Một số kiến nghị về đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (Chuyên gia của Ngân hàng thế giới);
(4) Tham luận Bình luận về các khuyến nghị đối với hoạt động đâu tư quỹ bảo hiểm xã hội (Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính).
Trên cơ sở dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và bài trình bày của các chuyên gia, tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến về các nội dung dự kiến sửa đổi của Luật Bảo hiểm xã hội lần này như: đa số các đại biểu đều tán thành, nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2018 để thế chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; việc quy định bảo hiểm xã hội một lần cần phải tính toán kỹ để tránh sốc như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cần có lộ trình thực hiện cụ thể; rất đồng tình diện mở rộng bảo hiểm xã hội, giảm từ 20 năm xuống 15 năm; quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền chính sách để người dân có thể hiểu được mục tiêu chính sách. Chính sách có sự hỗ trợ của nhà nước thì người dân ủng hộ rất tốt; bảo hiểm xã hội nên gắn với thuế thu nhập cá nhân, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội cần gắn với mức đóng, mức hưởng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Có thể thêm nhiệm vụ thu bảo hiểm xã hội cho cơ quan thuế.
Kết thúc ngày làm việc, thay mặt Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Phạm Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội đã có ý kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu và chỉnh sửa, hoàn thiện trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)./.
 
[1] kế thừa một phần quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi đang được quy định tại Luật Người cao tuổi.