Đề xuất ban hành chính sách mạnh, khả thi hỗ trợ sản xuất kinh doanh phù hợp bối cảnh mới

Cần bàn đúng, trúng các vấn đề để tiếp tục mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/2/2023 tại Hà Nội

Tại hội nghị, để thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành công thương với đa lĩnh vực, đa ngành, thể hiện quá trình phát triển của đất nước. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề trước bối cảnh phát triển mới của đất nước, đặc biệt trong năm 2023 vừa thuận lợi song khó khăn nhiều hơn.
Bối cảnh thế giới là sức ép lạm phát sẽ có tác động đến Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, gấp đôi tổng ngân sách quốc nội (GDP) nên biến động nhỏ bên ngoài cũng là tác động lớn bên trong. Các thị trường lớn của Việt Nam đều giảm phát. Cùng đó là khủng hoảng năng lượng và các yếu tố của biến đổi khí hậu là khó tránh.
Trong nước năng lực chống chịu sức cạnh tranh có hạn, tránh “cơn gió ngược” thế nào để thoát ra được. Năm 2022 đã vượt qua được các thách thức này giúp Việt Nam trưởng thành và có thêm nhiều kinh nghiệm. Năm 2023 đã qua 1 tháng nhưng tác động bên ngoài khiến lĩnh vực sản xuất giảm đơn hàng.
Theo Thủ tướng, áp lực lạm phát trong năm 2023 sẽ vẫn còn lớn, nhất là khi cả tổng cung và tổng cầu đều giảm. Vì vậy, cần thúc đẩy việc đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng, tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu; cùng đó phải bảo đảm cân đối năng lượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc giải quyết các vấn đề tồn đọng như 4 quy hoạch gồm: quy hoạch năng lượng, hạ tầng cung ứng xăng dầu khí đốt, thăm dò khai thác khoáng sản và nhất là quy hoạch điện VIII.
Thủ tướng nêu rõ, tiến độ quy hoạch điện VIII rất cần song chất lượng quy hoạch còn cần hơn để có lợi cho nước, cho dân, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Mặc dù rất trăn trở khi chưa ra được quy hoạch này nhưng phải bình tĩnh, không nóng vội.
“Phải giải quyết tốt các vấn đề sử dụng tối đa nguồn lực- tải điện- phân phối điện- sử dụng hiệu quả tiết kiệm- giá điện. Đặc biệt vấn đề giá điện cần khẩn trương làm”. Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý cần ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Trong việc mua bán điện cần có các đàm phán để hài hoà lợi ích, chia sẻ khó khăn. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Thông tư 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đặc biệt, Thủ tướng sẵn sàng đối thoại với các bên mua bán điện nhưng giá điện bàn cho hợp lý, điều hành không giật cục.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu và đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán hai FTA còn lại để góp phần đa dạng hoá, thị trường, sản xuất và chuỗi cung ứng.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có bởi những diễn biến nhanh, phức tạp, dị biệt của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tích cực.
Đóng góp vào thành tích chung đó, Bộ Công Thương cơ bản đã bảo đảm đủ nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Để góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: ngành công thương sẽ triển khai 9 nhóm giải pháp.
Theo đó, Bộ Công Thương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-BCT ngày 09/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương với 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể) ngay từ những ngày đầu năm 2023.
Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện tốt 3 nhóm nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; xây dựng kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành hiệu quả nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, khai thác có hiệu quả hình thức thương mại, đa dạng hoá thị trường, duy trì tốt chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực hạ tầng điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản.
Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế; hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 và các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật, các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành. Mặt khác, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chú trọng các giải pháp khơi thông các rào cản về vốn, tín dụng, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tăng cường đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng; phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA đã thực thi. Bộ cũng sẽ thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu trong mọi tình huống. Hơn nữa, tăng cường quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong mọi hoạt động.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời, Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt các Quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia làm căn cứ để đẩy nhanh thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ logistics, năng lượng, khoáng sản… tạo động lực cho tăng trưởng và việc làm cho xã hội. Đặc biệt, thời điểm này là đảm bảo đảm nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển sản xuất trong nước. Vì vậy, phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện (kể cả việc nhập khẩu điện từ Lào). Cùng với đó, ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh quốc gia để xử lý các vấn đề tồn đọng và mới phát sinh đảm bảo quyền lợi quốc gia, dân tộc và doanh nghiệp trong quan hệ thương mại. Cho phép xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường để thay thế Quyết định 34/QĐ-TTg năm 2018, bảo đảm phù hợp với Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất, để nâng cao tính độc lập, tự chủ và phát triển sản xuất công nghiệp bền vững, cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh, mang tính toàn diện. Bộ Công Thương đang hoàn thiện đề xuất xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trình Chính phủ; trong đó, nội dung cốt lõi là phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, quan trọng. Bởi vậy Bộ Công Thương mong muốn Chính phủ ủng hộ, xem xét thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2023.
Mặt khác, chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại; đồng thời, quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách và bố trí nguồn vốn hợp lý để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp ở địa phương. Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo về đề nghị xây dựng Luật và Nghị định mà Bộ Công Thương đã trình Chính phủ nhưng chưa được ban hành.
Nhằm thúc đẩy quảng bá sản phẩm, góp phần mở rộng, phát triển thị trường, ông Vũ Bá Phú- Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã kiến nghị tới Thủ tướng 4 nội dung gồm giao Bộ Tài chính nghiên cứu, sắp xếp, bổ sung nguồn kinh phí thông qua Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương mở rộng mạng lưới cơ quan Thương vụ và Văn phòng xúc tiến thương mại; bổ sung cơ sở vật chất, kinh phí cho hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Cùng đó, mạng lưới cơ quan xúc tiến thương mại chưa thống nhất trên cả nước về tổ chức và chức năng gây khó khăn, thiếu hiệu quả cho phối hợp, triển khai và chỉ đạo các hoạt động xúc tiến thương mại. Vì vậy, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương thống nhất bộ máy và tổ chức hệ thống này. Để tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú đề xuất Thủ tướng giao Bộ Công Thương làm đầu mối tổng hợp, rà soát các nội dung mang tầm quốc gia. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép, tổ chức các hoạt động và vùng miền trên phạm vi cả nước.

Nguồn: BCT/TTXVN