Ngày 21/10/2022, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các sở ban, ngành, tổ chức đại diện của doanh nghiệp, Đoàn Luật sư, các luật sư và doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”, đồng thời tổ chức trực tuyến qua nền tảng Zoom.
Ngày 21/10/2022, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các sở ban, ngành, tổ chức đại diện của doanh nghiệp, Đoàn Luật sư, các luật sư và doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”, đồng thời tổ chức trực tuyến qua nền tảng Zoom.
Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022, nhằm mục tiêu chung là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tình hình mới; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với nguồn lực; qua đó hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc pháp lý cụ thể cho doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, cho biết dự thảo Đề án là kết quả của quá trình Bộ Tư pháp khảo sát, tổng kết đánh giá công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nhằm nhận diện các khó khăn, vướng mắc của hoạt động hỗ trợ pháp lý. Ông Nguyễn Thanh Tú nhận định, trong bối cảnh hoạt động hỗ trợ pháp lý đang phát triển mạnh nhưng gặp phải một số hạn chế, Bộ Tư pháp hi vọng sẽ nhận được nhiều góp ý nhằm phát triển hơn nữa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ vượt bậc, hoạt động chuyển đổi số đang được tiến hành trên mọi lĩnh vực.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Lý Hoàng Phương, đại diện Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh trình bày về thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ và một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với Đề án, theo đó, một số kết quả trên thực tiễn của công tác hỗ trợ pháp lý trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm: Công tác tổ chức, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và bồi dưỡng pháp luật; công tác trả lời của cơ quan Nhà nước đối với vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; công tác xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật dữ liệu về pháp luật. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Lý Hoàng Phương cũng nêu một số hạn chế, khó khăn nhất định còn tồn đọng xoay quanh khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, về mức độ sẵn sàng khi tham gia chương trình của doanh nghiệp và về những khó khăn khác do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cũng tại hội thảo, bà Lê Thị Minh Long đại diện Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp trình bày thực tiễn thực hiện công tác tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố - một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với góp ý dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, trong đó, các kết quả có thể kể đến gồm sự hưởng ứng nhiệt liệt từ phía doanh nghiệp và sự phối hợp nhiệt tình giữa các cơ quan với nhau. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các doanh nghiệp đến công tác pháp chế và ý thức sử dụng, tuân thủ pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh còn chưa cao, dẫn đến nhiều hạn chế.
Tại Hội thảo, đại diện các sở, ban, ngành, Đoàn Luật sư thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cụ thể là: Cần ban hành quy định cụ thể về các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với từng bộ, ngành; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ nhằm kịp thời hỗ trợ cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp;…
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Nam, đại diện của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn tham dự hội thảo nhận định, một trong những nhu cầu quan trọng của doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về pháp luật đầu tư quốc tế, nhằm hướng hoạt động của doanh nghiệp phát triển ra quốc tế. Bên cạnh đó, liên quan đến hoạt động bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật cho doanh nghiệp, cần phải kết hợp nâng cao nhận thức của người điều hành, quản lý doanh nghiệp về tầm quan trọng của kiến thức, kỹ năng pháp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao chất lượng buổi hội thảo, các ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” đều là những ý kiến quý giá, có chiều sâu, đồng thời cũng rất thiết thực, gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp. Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của các đại biểu và trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua vào tháng 12/2022.