Ý kiến trao đổi: Trong quan hệ kinh doanh, các doanh nghiệp phải thường xuyên thực hiện nghĩa vụ thanh toán với đối tác và cách thức thực hiện nghĩa vụ rất đa dạng. Việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán này có thể được tiến hành bằng giao tiền mặt trực tiếp, bằng chuyển khoản. Việc thanh toán này cũng có thể được tiến hành bằng cách cấn trừ nợ, tức bù trừ nghĩa vụ giữa các bên.
Trước sự đa dạng về cách thức thanh toán nêu trên nên đôi khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chứng minh có việc thanh toán hay không. Trong vụ việc nêu trên, Bị đơn cho rằng Bị đơn đã thanh toán cho Nguyên đơn “đủ số tiền” vì đã “cấn trừ bằng tiền phí dịch vụ bảo trì”. Ở đây, Bị đơn cho rằng Nguyên đơn cũng có nghĩa vụ với Bị đơn nên hai nghĩa vụ này được cấn trừ cho nhau nên nghĩa vụ chấm dứt. Nếu có việc cấn trừ thì nghĩa vụ chấm dứt trên cơ sở Điều 380 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 378 Bộ luật dân sự năm 2015, “trong trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Để chứng minh cho việc đã cấn trừ khoản tiền trên bằng tiền phí dịch vụ bảo trì của hợp đồng số 03/0210/HDQL, Bị đơn đã đưa ra các Hóa đơn giá trị gia tăng như các Hóa đơn giá trị gia tăng số 0047962 ngày 28/07/2010 đối với phí từ tháng 02/2010 đến tháng 07/2010, số 0047963 ngày 28/07/2010 đối với phí từ tháng 08/2010 đến tháng 12/2010, số 0000002 ngày 01/04/2011 đối với phí từ tháng 01/2011 đến tháng 05/2011, số 0000005 ngày 04/07/2012 đối với phí từ tháng 07/2011 đến tháng 12/2011, số 0000019 ngày 03/01/2012 đối với phí từ tháng 01/2012 đến tháng 06/2012 và Hóa đơn số 0000054 ngày 02/07/2012 đối với phí từ tháng 07/2012 đến tháng 12/2012.
Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài cho rằng “các Hóa đơn này chỉ có con dấu và chữ ký của phía Bị đơn (người cung cấp các Hóa đơn) và Nguyên đơn đã phủ nhận tại Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp rằng các Hóa đơn này không có giá trị chứng cứ chứng minh đã có việc cấn trừ khoản tiền trên với tiền thanh toán của hợp đồng số 03/0210/HDQL. Nguyên đơn cho rằng việc lập các Hóa đơn này không thay thế nghĩa vụ của Bị đơn phải hoàn trả số tiền còn thiếu 1.545.266.060 VND từ hợp đồng số 01/1109/HDNX cho Nguyên đơn và giữa Nguyên đơn và Bị đơn không có bất kỳ thỏa thuận cấn trừ công nợ nào giữa hợp đồng số 01/1109/HDNX và hợp đồng số 03/0210/HDQL”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài theo hướng các Hóa đơn giá trị gia tăng trên “không có giá trị chứng cứ chứng minh đã có việc cấn trừ khoản tiền trên”.
Như vậy, các Hóa đơn giá trị gia tăng không có giá trị chứng minh và việc này xuất phát từ thực tế là chỉ Bên cung cấp các Hóa đơn giá trị gia tăng ký vào hóa đơn và Bên còn lại không thừa nhận các Hóa đơn giá trị gia tăng. Việc các Hóa đơn giá trị gia tăng chỉ có chữ ký của Bên cung cấp cho thấy đây là chứng cứ đơn phương từ người cung cấp nên không đảm bảo tính khách quan. Do đó, sẽ là bất công nếu Hội đồng Trọng tài chấp nhận trong trường hợp bên còn lại phản đối.
Từ vụ việc trên, doanh nghiệp biết rằng các Hóa đơn giá trị gia tăng chỉ có xác nhận từ phía người lập ra hóa đơn thì các hóa đơn này không có giá trị chứng cứ xác đáng. Để có giá trị chứng cứ ràng buộc các bên thì các Hóa đơn giá trị gia tăng cần có xác nhận từ hai phía.