Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp chuyên đề "Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm quy định trong Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành"

Thực hiện Quyết định số 1109/BTP-585 ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 về việc chọn Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình thực hiện hoạt động Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp; ngày 02/10/2020, Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đã tổ chức thành công lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh về an toàn thực phẩm quy định trong Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Lớp bồi dưỡng có sự tham gia của đồng chí Phạm Cao Quân - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình; đồng chí Nguyễn Văn Giỏi - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế tỉnh Thái Bình và hơn 60 đại biểu là cán bộ pháp chế các Sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh; cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; cán bộ pháp chế, đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 
Mở đầu lớp bồi dưỡng, đồng chí Phạm Cao Quân phát biểu chỉ đạo và định hướng nội dung chủ yếu của lớp bồi dưỡng chuyên đề "Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm quy định trong Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành" và hướng dẫn thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và một số tình huống vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Tiếp nối bài giảng, đồng chí Nguyễn Văn Giỏi - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã giới thiệu những nội dung cơ bản về an toàn thực phẩm và các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các đồng chí cán bộ pháp chế của Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nếu một số quy định pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của đơn vị.

Các giảng viên của lớp bồi dưỡng đã đưa ra những câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tình huống để đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm của các học viên. Ngoài ra các học viên là cán bộ pháp chế các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đưa ra một số câu hỏi, các giảng viên đã trả lời và chỉ ra những quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan. Một số câu hỏi được thảo luận và giải đáp trong lớp bồi dưỡng như sau:
Câu hỏi 1. Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể như thế nào?

Trả lời:

– Về hồ sơ, cần chuẩn bị:

+) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

+) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm ( bản sao có xác nhận của chủ cơ sở )

+) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

+) Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm;

+) Bản vẽ thiết kế mặt bằng cơ sở và khu vực xung quanh;

+) Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

+) Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

– Cơ quan nhà nước tiếp nhận và xem xét hồ sơ sẽ do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp đối với các lĩnh vực

– Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Câu hỏi 2. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm bị xử lý hình sự như thế nào?

Trả lời:

Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

Điều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Câu hỏi 3. Quy định về việc xử lý vi phạm về việc không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và giấy phép kinh doanh được quy định như thế nào?
Trả lời:

Theo quy định tại Điều 66 – Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh như sau:

“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”

Trong trường hợp chưa đăng kí kinh doanh mà đã đi vào hoạt động sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 6 -Nghị định 124/2015/NĐ-CP:

“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định”.

Về giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, khi kinh doanh dịch vụ ăn uống cần xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo ngành nghề đăng kí trong giấy phép kinh doanh, nếu kinh doanh dịch vụ ăn uống mà chưa có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt theo Điều 18 – Nghị định 115/2018/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Phát biểu kết luận lớp bồi dưỡng, đồng chí Phạm Cao Quân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá cao nỗ lực trong công tác tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh để các doanh nghiệp có thể hiểu và áp dụng vào công việc kinh doanh. Đề nghị các đại biểu tham dự sẽ phổ biến, truyền đạt lại, chia sẻ kinh nghiệm đã tích luỹ được thông qua việc tham dự lớp bồi dưỡng với các đồng chí của cơ quan, đơn vị mình không có điều kiện tham dự lớp bồi dưỡng.