TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI VÀ MỐI QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN VIỆT NAM

Luật Trọng tài thương mại, Điều 2 quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại bao gồm: “1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; 2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; 3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài”. Thẩm quyền của trọng tài thương mại cũng được quy định tại: Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 14), Bộ Luật hàng hải (Điều 3, Điều 5, Điều 54, Điều 130, Điều 131, Điều 141, Điều 268, Điều 287, Điều 338, Điều 339), Luật đầu tư 2020 (Điều 14), Luật thương mại - hợp nhất số 03/VBHN-VPQH (Điều 317), Luật xây dựng 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều năm 2020 (Điều 146), Luật Sở hữu trí tuệ - hợp nhất số 07/VBHN-VPQH (Điều 198), Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 30, Điều 38, Điều 39)....

Với quy định trên, phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại đã được mở rộng phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tiễn, cụ thể, rõ ràng, thống nhất và chắc chắn. Quy định này đã có nhiều tác động tích cực: Làm tăng số lượng tranh chấp được giải quyết ở Trọng tài thương mại, nhờ đó giảm tải được hoạt động giải quyết tranh chấp ở hệ thống toà án; giảm thiệt hại chi phí cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp do rút ngắn thời hạn giải quyết; giữ được bí mật tranh chấp; giữ được bạn hàng sau khi giải quyết tranh chấp, thúc đẩy phát triển hệ thống trọng tài, đội ngũ trọng tài viên.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể đang còn cách giải thích khác nhau về thẩm quyền của trọng tài thương mại. Cụ thể:

  • Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản tại Việt Nam, Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:
“Điều 470. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam
  1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;”
Với quy định trên, có quan điểm cho rằng đây là điều khoản phân định thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với không chỉ tòa án nước      ngoài, cơ quan tài phán nước ngoài mà còn phân biệt với thẩm quyền của Trọng tài thương mại Việt Nam. Do tồn tại nhiều ý kiến khác nhau trong việc phân định thẩm quyền của trọng tài, tòa án dẫn đến trên thực tế đã có một số vụ tranh chấp có cùng bản chất nhưng các Tòa án đã có các quyết định khác nhau.
Cụ thể, Quyết định số 393/2017/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đã kết luận rằng việc Hội đồng trọng tài giải quyết một tranh chấp thương mại (Hợp đồng thuê đất cùng các cơ sở hạ tầng) là đúng thẩm quyền theo Điều 2 Luật TTTM. Với vụ việc  tương tự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tại Quyết định số 03/2018/QĐ- PQTT ngày 11/7/2018 đã chấp nhận yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài đối với tranh chấp có liên quan tới tài sản là bất động sản. Một trong những căn cứ hủy được Tòa án đưa ra đó là tranh chấp giữa các bên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài mà thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án theo điểm a khoản 1 Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Từ các vụ việc nêu trên, để áp dụng thống nhất giữa các Tòa án, cần có hướng dẫn, giải thích rõ về những tranh chấp nào thuộc thẩm quyền của trọng tài, tranh chấp nào thuộc thẩm quyền của tòa án.
  • Việc luật chuyên ngành không có quy định nhắc tới phương thức giải quyết trọng tài có thể gây hiểu nhầm là chỉ được sử dụng Tòa án để giải quyết tranh chấp phát sinh từ lĩnh vực chuyên ngành đó. Ví dụ: Luật Kiểm toán độc lập, Điều 61 quy định giải quyết tranh chấp về kiểm toán độc lập:
“1. Tranh chấp về kiểm toán độc lập được giải quyết như sau:
  1. Các bên có trách nhiệm tự hòa giải về nội dung tranh chấp;
  2. Trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.”
Bên cạnh đó, trong thực tiễn và tương lai, có những vụ việc tranh chấp về lao động, môi trường…nếu các bên thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp thì có nên tôn trọng thỏa thuận của họ hay không? Đây là vấn đề cần nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại.

1.Về thỏa thuận trọng tài

Thoả thuận trọng tài là điểm chốt tiếp theo trong việc xác định thẩm quyền của trọng tài, bởi vì, không có thoả thuận trọng tài, thì không thể có việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Điều 16 Luật TTTM quy định về hình thức thoả thuận trọng tài bao gồm:
“1. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
  1. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
  1. Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
  2. Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
  3. Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
  4. Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận”.
Luật TTTM đã có nhiều tiến bộ trong việc mở rộng tiêu chí xác định thoả thuận trọng tài, theo hướng chú trọng đến ý chí của các bên về việc lựa chọn trọng tài giải quyết tranh chấp, tính đến sự phát triển của công nghệ thông tin. Trên cơ sở tiếp thu những tiến bộ trong Luật Mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Uỷ ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) ban hành ngày 21 tháng 6 năm 1985, bổ sung, sửa đổi ngày 7/7/2006, Điều 16 Khoản 2 Luật TTTM2010 đã liệt kê cụ thể các hình thức thỏa thuận được coi là xác lập bằng văn bản và đây là quy định rất quan trọng và phù hợp với thực tiễn, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và hình thức văn bản truyền thống đã dần giảm đi tính phổ biến trong xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng Điều 16 Khoản 2 vẫn chưa được hiểu thống nhất. Ví dụ như tại Quyết định hủy phán quyết trọng tài của Tòa án và quyết định hủy phán quyết trọng tài được đưa ra dựa trên các đánh giá: “Hội đồng xét quyết định thấy rằng việc Giấy nhận nợ chỉ có các Bị đơn ký xác nhận nhưng không có xác nhận của G (Nguyên đơn) không thể coi là có sự thỏa thuận giữa các bên và như vậy cũng không có thỏa thuận trọng tài16. Như vậy, có thể hiểu, Tòa án đã cho rằng không tồn tại thỏa thuận trọng tài nếu thiếu chữ ký - xác nhận của một bên (trong khi Nguyên đơn – người dựa vào thỏa thuận trọng tài để khởi kiện tại trọng tài).

2.Về quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên

Theo khoản 5 Điều 21 Luật TTTM thì Trọng tài viên có nghĩa vụ: “5. Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.
Việc quy định chung chung “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” có thể gây hoài nghi về tính bảo mật - vốn là ưu điểm cốt lõi của trọng tài thương mại so với thủ tục toà án truyền thống. Do vậy, cần xác định rõ các nhóm cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trọng tài viên cung cấp các thông tin của vụ việc họ thực hiện chỉ bao gồm: cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có thẩm quyền xem  xét Đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.

3.Các hình thức Trọng tài

  1. Khái niệm về trọng tài quy chế và trọng tài vụ việc được quy định tại Điều 3 của Luật trọng tài thương mại:
“6. Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.
7. Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận”.
Quy định trên chưa rõ ràng và chưa bao quát hết được các trường hợp của thủ tục trọng tài trên thực tế.
Ví dụ 1: Các bên thỏa thuận nếu có tranh chấp sẽ đưa ra giải quyết tranh chấp tại một tổ chức trọng tài cụ thể nhưng họ không sử dụng quy tắc tố tụng trọng tài của tổ chức trọng tài đó, mà sử dụng Quy tắc tố tụng của UNCITRAL. Với thoả thuận này thì đây được coi là trọng tài quy chế hay vụ việc? (UNCITRAL không phải một tổ chức trọng tài) (Cụ thể hơn: các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC theo Quy tắc tố tụng của UNCITRAL).
Ví dụ 2: Các bên thoả thuận nếu có tranh chấp thì sẽ sử dụng trọng tài theo Quy tắc tố tụng trọng tài của UNCITRAL và cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc chỉ định (appointing authority) là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC, chi phí cho VIAC được chia đều cho hai bên tranh chấp. Với điều khoản này thì thủ tục trọng tài diễn ra được coi là trọng tài vụ việc hay trọng tài quy chế?
Hai ví dụ nêu trên là hai ví dụ điển hình của điều khoản trọng tài lai (hybrid-arbitration aggreement) và việc xác định thủ tục trọng tài thực hiện theo điều khoản lai cụ thể nào đó là trọng tài vụ việc hay quy chế rất quan trọng vì sẽ liên quan trực tiếp tới thủ tục đăng ký phán quyết cũng như thi hành phán quyết trọng tài.
  1. Trường hợp khác, có quy định của luật còn nhầm lẫn khi liệt kê các hình thức trọng tài. Luật Đầu tư 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 liệt kê các phương thức giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư (Điều 14, khoản 3 Luật Đầu tư), giữa nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án PPP (Điều 97 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020) quy định tranh chấp được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:
  • Tòa án Việt Nam;
  • Trọng tài Việt Nam;
  • Trọng tài nước ngoài;
- Trọng tài quốc tế;
-  Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.
Trong đó:
  • Phân biệt trọng tài Việt Nam hay trọng tài nước ngoài là dựa theo tiêu chí lãnh thổ, xác định quốc tịch của phán quyết trọng tài, vấn đề này liên quan đến việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam theo Công ước New York năm 1958 mà Việt Nam là thành viên.
  • Trọng tài quốc tế là dựa theo tiêu chí tính chất của tổ tụng trọng tài theo Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên hiệp quốc về luật thương mại quốc tế UNCITRAL.
  • Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập là dựa theo tiêu chí   hình thức trọng tài vụ việc hay quy chế.
Do vậy, Luật Trọng tài thương mại cần quy định rõ hơn về các hình thức trọng tài để tránh việc liệt kê không cần thiết, trùng lắp và dẫn đến nhầm lẫn.

4. Về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài và cơ chế trọng tài viên khẩn cấp (emergency arbitrator).

Điều 49 Luật TTTM quy định thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng  biện pháp khẩn cấp tạm thời:
  1. Theo yêu cầu của một trong các bên, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp.
  2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:
  1. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
  2. Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
  3. Kê biên tài sản đang tranh chấp;
  4. Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một
hoặc các bên tranh chấp;
đ) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
  1. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
  1. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều này mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài phải từ chối.
  2. Trước khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng trọng tài có quyền buộc bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính.
  3. Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bên yêu cầu mà gây thiệt hại cho bên yêu cầu, bên bị áp dụng hoặc người thứ ba thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp     khẩn cấp tạm thời xảy ra trước thời điểm Hội đồng Trọng tài được thành lập, muốn yêu cầu Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, các bên phải chờ cho đến khi Hội đồng Trọng tài được thành lập, vì vậy việc áp dụng không còn ý nghĩa.
Pháp luật và thực tiễn trọng tài các nước đã có quy định về trọng tài viên khẩn cấp, theo đó việc chỉ định trọng tài viên có thể được thực hiện ngay khi nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trọng tài viên khẩn cấp chỉ có vai trò ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không giải quyết vụ tranh chấp 17. Việc giải quyết vụ tranh chấp sẽ do Hội đồng Trọng tài được các bên thành lập thực hiện. Do vậy, cần nghiên cứu quy định về “trọng tài viên khẩn cấp” để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động trọng tài trong tương lai.

    5.Các quy định về nội dung Phán quyết trọng tài

  • Điều 61 khoản 1(c) Luật TTTM quy định nội dung phán quyết trọng tài phải có nội dung chủ yếu đó là “địa chỉ của trọng tài viên”. Việc quy định phán quyết trọng tài phải có địa chỉ của trọng tài viên có cần thiết không và có nên coi đây là nội dung chủ yếu trong phán quyết trọng tài không vì nếu thiếu nội dung này sẽ được coi là vi phạm tố tụng trọng tài. Trong khi, Luật Mẫu UNCITRAL và pháp luật trọng tài các nước không có quy định này.
  • Điều 61 khoản 3 Luật TTTM quy định “Phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vụ việc có nội dung phức tạp, nhiều trường hợp không thể ban hành phán quyết trong thời hạn 30 ngày. Hơn nữa, Luật Mẫu UNCITRAL và luật trọng tài các nước không quy định về thời hạn lập phán quyết trọng tài. Do vậy, có thể nghiên cứu cho phép kéo dài thời hạn ban hành phán quyết trọng tài hoặc cho phép gia hạn thời hạn ban hành phán quyết trọng tài thay cho quy định cố định 30 ngày như quy định tại Điều 61 khoản 3. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thời hạn ra phán quyết trọng tài đã dài hơn gấp 3 lần so với thời hạn ra Bản án của Tòa án 18. Nếu mở rộng thời hạn ra phán quyết trọng tài thì sẽ làm chậm thời gian thi hành phán quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên, đồng thời cũng làm mất đi ưu thế nhanh, gọn của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Đây là vấn đề cần tiếp tục cấn nhắc khi nghiên cứu, hoàn thiện Luật TTTM trong thời gian tới.

6.Hủy phán quyết trọng tài

  1. Điều 68 khoản 2(d) Luật TTTM quy định phán quyết trọng tài bị hủy nếu “Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo…”.
Điều 71 khoản 4 Luật TTTM quy định: “Khi xét đơn yêu cầu (hủy phán quyết trọng tài), Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 của Luật này và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết. Sau khi xem xét đơn và các tài liệu kèm theo, nghe ý kiến của những người được triệu tập, nếu có, Kiểm sát viên trình bày ý kiến của Viện kiểm sát, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số”.
Theo quy định tại Điều 71 thì khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn yêu cầu không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết. Tuy nhiên, theo Điều 68 khoản 2 (d) quy định phán quyết trọng tài bị hủy trong trường hợp chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo. Như vậy, trình tự, thủ tục xem xét lại chứng cứ do các bên cung cấp tại trọng tài có phải là giả mạo hay không sẽ được thực hiện như thế nào? Xem xét lại chứng cứ có phải là xem xét lại nội dung vụ tranh chấp không?
Do quy định tại Điều 68 khoản 2(d) và Điều 71 khoản 4 mâu thuẫn nhau, Luật Mẫu UNCITRAL và luật trọng tài các nước 19 cũng không đưa căn cứ hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo. Trên thực tế đang có sự lạm dụng căn cứ này để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Do đó, có ý kiến đề nghị bỏ quy định “Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo…” Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của đương sự khi xảy ra trường hợp chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo. Trường hợp phát hiện chứng cứ do một hoặc nhiều bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo mà vẫn cho thi hành phán quyết trọng tài thì quyền lợi của bên còn lại sẽ bị ảnh hưởng. Mặc dù thực tiễn có thể có sự lạm dụng căn cứ này để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nhưng Tòa án có trách nhiệm xem xét chứng cứ đó có thực sự là giả mạo hay không mới quyết định hủy hay không hủy, do vậy, quy định như vậy là phù hợp. Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong Luật TTTM.
  1. Điều 68 khoản 2(đ) Luật TTTM quy định “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Điều 14 khoản 2(đ) Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM(Nghị quyết) quy định “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam
Hiện nay vẫn có ý kiến cho rằng, tuy Nghị quyết đã giải thích về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nhưng còn chung chung, chưa thực sự rõ ràng, gây khó khăn trong việc áp dụng. Cụ thể Nghị quyết đã đưa ra thuật ngữ “các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam” nhưng không có hướng dẫn bổ sung thế nào là các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam? Vì vậy, quy định này có thể dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất trong nhiều vụ việc trong thực tiễn . Điều này dẫn đến nguy cơ phán quyết trọng tài bị huỷ là rất cao.

7.Mối quan hệ giữa Tòa án và Trọng tài: Giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (Điều 44)

Điều 43 Khoản 1 yêu cầu các Hội đồng trọng tài phải xem xét thẩm quyền của mình trước khi đi vào xem xét nội dung vụ tranh chấp:
“1. Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết”.
Tại Điều 44 cho phép một bên nếu không đồng ý với kết luận của Hội đồng trọng tài thực hiện theo Điều 43 Khoản 1 có thể khiếu nại tới Toà án. Điều 44 khoản 4 Luật TTTM quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khiếu nại. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, quyết định. Quyết định của Toà án là cuối cùng”. Tuy nhiên, Điều 68 khoản 2 lại tiếp tục quy định việc phán quyết trọng tài bị hủy nếu “Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu” khiến cho việc xem xét về thoả thuận trọng tài có thể bị lặp lại.
Ví dụ: Hội đồng trọng tài sau khi thực hiện xem xét thoả thuận trọng tài và thẩm quyền của chính mình như Điều 43 Khoản 1 đã tuyên bố Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp và đi vào giải quyết các vấn đề nội dung tranh chấp. Bên không hài lòng với quyết định trên đã khiếu nại ra Toà án theo thủ tục tại Điều 44 với lý do: Không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu. Sau khi xem xét, Tòa án quyết định bác đơn yêu cầu của bên khiếu nại, giữ nguyên hiệu lực quyết định của Hội đồng trọng tài về việc Hội đồng đó có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp.
Tại cuối thủ tục trọng tài, Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết trọng tài, bên đã khiếu nại/không hài lòng lại tiếp tục làm đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với lý do đã nêu trước đây (Không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu). Trong trường hợp này, Tòa án có thụ lý đơn yêu cầu hủy với căn cứ này không?
Về vấn đề này, có quan điểm rằng, quyết định của Toà án tại thủ tục xem xét khiếu nại ở Điều 44 là quyết định có hiệu lực pháp luật, là quyết định cuối cùng và do đó cần được tôn trọng, do đó cần nghiên cứu, bổ sung quy định theo hướng trong trường hợp đã có quyết định của Toà án giải quyết khiếu nại theo Điều 44 thì khi Toà án xem xét các yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo các quy định tại Chương XI cần tôn trọng và tuân thủ quyết định này, tránh việc xét lại một quyết định đã có hiệu lực của toà án và cần nêu rõ điều này trong quy định về căn cứ huỷ phán quyết trọng tài. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, đây là hai quy định độc lập với hai thủ tục khác nhau, ở các giai đoạn khác nhau, quy định như vậy không có gì là bất hợp lý. Vấn đề này đề nghị tiếp tục làm rõ khi nghiên cứu, sửa đổi Luật TTTM.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Hội đồng trọng tài sau khi thực hiện xem xét thoả thuận trọng tài và thẩm quyền của chính mình như Điều 43 Khoản 1 và đã tuyên bố Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp thì có thể coi đây cũng là phán quyết của trọng tài (phán quyết từng phần), do đó việc giao cho một thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khiếu nại như Điều 44 Luật TTTM là không đảm bảo quyền lợi các bên tranh chấp mà cần phải giải quyết theo thủ tục chung tương tự với phán quyết trọng tài./.