Đẩy mạnh các chính sách tín dụng hỗ trợ kịp thời cho Doanh nghiệp

Kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, lạm phát quốc tế giảm chậm, với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong nước, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 tăng trưởng yếu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư… vẫn còn gặp khó khăn, đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI chưa có dấu hiệu phục hồi.

Riêng tại khu vực Đông Nam bộ năm 2022, tổng GRDP của khu vực chiếm 30,8% cả nước, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 40,4%, thu ngân sách chiếm 45% tổng thu ngân sách cả nước.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng một số địa phương tăng (TPHCM tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, Bình Dương tăng 13,2%...), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng (TPHCM tháng 4 tăng 3% so với tháng trước, Bình Dương tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,19%...).

Theo thống kê từ NHNN, tại khu vực Đông Nam Bộ, với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD), phòng giao dịch, quỹ tín dụng nhân dân, đến hết quý I/2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%); tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%).

Sản xuất, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhiều DN không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao... Thị trường bất động sản khu vực, vốn là một trong những trụ cột tăng trưởng của khu vực tiếp tục khó khăn, cung-cầu, giá đều giảm.

Theo phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng, đại diện cho các DN tại khu vực Đông Nam Bộ, bên cạnh những khó khăn kể trên, hiện DN đang gặp khó khăn đối với việc tiếp cận vốn vay từ các chính sách ưu đãi mà Chính phủ và NHNN đã ban hành, nhất là gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31. 

Nhiều DN cho biết, mặc dù NHNN đã giảm lãi suất điều hành, nhưng với mức lãi suất cho vay từ 10-11% như hiện nay (giảm khoảng 1% so với đầu năm), nhiều DN cũng không "thiết tha" vay vốn do không có đơn hàng, hoặc với lãi suất như vậy, DN làm ăn không có lãi thậm chí âm vốn, nên cũng e dè không muốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, NHNN đã chủ động, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước.
 

Mặc dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp, xuất phát chủ yếu do các nguyên nhân: Cầu tín dụng của nền kinh tế giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp đối với nhóm bất động sản. Mọi năm, tín dụng bất động sản thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng, tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án.

Để hỗ trợ cho DN và người dân, về tín dụng, NHNN chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.