1. Về cơ chế, quản lý điều hành giá của Tây Ban Nha
Tây Ban Nha là quốc gia nằm trên bán đảo Iberia phía Tây Nam Châu Âu. Phía bắc giáp Pháp, phía tây giáp Bồ Đào Nha , phía đông giáp Địa Trung Hải, phía nam giáp eo biển Gibraltar nối liền Bắc Phi. Với diện tích 505.990 km, Tây Ban Nha là quốc gia rộng lớn nhất vùng Nam Âu, đứng thứ nhì tại Tây Âu và Liên minh châu Âu (EU). Với dân số vào khoảng hơn 47 triệu người (ước tính trong năm 2020), Tây Ban Nha là quốc gia đông dân thứ 6 tại châu Âu, và đứng thứ 3 trong Liên minh châu Âu.
Về kinh tế, sau cuộc suy thoái kéo dài bắt đầu vào năm 2008 do khủng hoảng tài chính toàn cầu, Tây Ban Nha đã đánh dấu năm thứ 4 tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2017, với hoạt động kinh tế vượt qua đỉnh trước khủng hoảng, phần lớn là do tiêu dùng tư nhân tăng. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã phá vỡ 16 năm tăng trưởng kinh tế liên tiếp của Tây Ban Nha, dẫn đến sự suy thoái kinh tế kéo dài đến cuối năm 2013. Trong năm đó, chính phủ đã thành công trong việc vực dậy lĩnh vực ngân hàng đang gặp khó khăn - chịu ảnh hưởng nặng nề của sự sụp đổ của sự bùng nổ bất động sản ở Tây Ban Nha - với sự trợ giúp của chương trình tái cơ cấu và tái cấp vốn do EU tài trợ. Cho đến năm 2014, cho vay ngân hàng thu hẹp, thắt lưng buộc bụng và tỷ lệ thất nghiệp cao đã hạn chế tiêu dùng và đầu tư trong nước. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức thấp khoảng 8% vào năm 2007 lên hơn 26% vào năm 2013, nhưng cải cách lao động đã khiến mức giảm khiêm tốn xuống còn 16,4% vào năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp cao gây căng thẳng tài chính công của Tây Ban Nha, khi chi tiêu cho trợ cấp xã hội tăng trong khi thu thuế giảm mạnh. Thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha đạt đỉnh 11,4% GDP vào năm 2010, nhưng Tây Ban Nha đã giảm dần mức thâm hụt xuống còn khoảng 3,3% GDP vào năm 2017. Nợ công đã tăng đáng kể - từ 60,1% GDP năm 2010 lên gần 96,7% vào năm 2017. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ đã giúp đưa tài khoản vãng lai của Tây Ban Nha thặng dư vào năm 2013 lần đầu tiên kể từ năm 1986 và duy trì tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha. Tăng năng suất lao động và giảm giá nội bộ do chi phí lao động vừa phải và lạm phát thấp hơn đã cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Tây Ban Nha và tạo ra sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, khôi phục dòng vốn FDI.
Tây Ban Nha thực hiện chính quản lý giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, khí, thuốc. Chính sách quản lý giá đối với mặt hàng thuốc, năng lượng đã được Chính phủ Tây Ban Nha thực hiện trong rất nhiều năm. Trong giai đoạn COVID, Chính phủ Tây Ban Nha đã thực hiện biện pháp áp giá bán lẻ đối với mặt hàng kit test COVID. Trong năm 2022, Chính phủ Tây Ban Nha áp dụng biện pháp giá trần đối với mặt hàng khí nhằm kiểm soát đà tăng giá của mặt hàng điện. Tây Ban Nha cũng quy định về việc niêm yết giá trong hoạt động thương mại điện tử. Đối với quản lý nghề thẩm định giá, việc quản lý nghề thẩm định giá ở Tây Ban Nha do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, chủ yếu quản lý đối với hoạt động thẩm định giá phục vụ mục đích thế chấp vay vốn ngân hàng. Tây Ban Nha cũng có Hội nghề nghiệp về thẩm định giá. Về quản lý giá đối với mặt hàng dược phẩm và quản lý nhà nước đối với nghề thẩm định giá, Đoàn công tác báo cáo cụ thể như sau:
* Về quản lý giá đối với mặt hàng thuốc
Giá mặt hàng thuốc tại Tây Ban Nha được quản lý theo quy định tại Nghị định lập pháp hoàng gia số 01/2015 ngày 24 tháng 7 năm 2015 phê duyệt văn bản hợp nhất của Luật bảo đảm và sử dụng hợp lý thuốc và trang thiết bị y tế (Điều 94, 96 và 98). Theo đó, Chính phủ có trách nhiệm quy định các tiêu chí và thủ tục thiết lập giá thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe do Hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia tài trợ, bao gồm thuốc được phân phối bởi nhà thuốc theo đơn thuốc chính thức và thuốc của bệnh viện bao gồm thuốc điều trị cho bệnh nhân hoặc thuốc cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú. Ủy ban liên Bộ về giá thuốc ( gồm đại diện Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế và đại diện các cộng đồng tự trị) là cơ quan có thẩm quyền quyết định giá thuốc. Chính phủ có thể quy định cơ chế ấn định giá thuốc và các sản phẩm y tế không phải kê đơn y tế và các sản phẩm cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng được phân phối trên lãnh thổ Tây Ban Nha theo một chế độ chung, khách quan, minh bạch. Theo nguyên tắc chung, giá tài trợ bởi Hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia sẽ thấp hơn giá công nghiệp của thuốc được áp dụng khi nó được phân phối bên ngoài Hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia. Các phòng thí nghiệm dược phẩm, các đơn vị phân phối và văn phòng dược thông qua Tổ chức Dược phẩm Tập thể phải cung cấp thông tin cần thiết để thực hiện việc bồi hoàn có hiệu quả cho các văn phòng dược phẩm, các phòng thí nghiệm dược phẩm và các đơn vị phân phối các loại thuốc được thành lập và phân phối bên ngoài Hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia Giá của một sản phẩm thuốc có thể được sửa đổi khi cần có những thay đổi về kinh tế, kỹ thuật, sức khỏe hoặc trong việc đánh giá công dụng chữa bệnh của nó hoặc khi giá thể hiện mức giảm ít nhất 10 % trong giá công nghiệp tối đa có hiệu lực được phép tài trợ bằng công quỹ. Tây Ban Nha cũng xây dựng một hệ thống giá tham chiếu đối với các sản phẩm thuốc và trang thiết bị y tế, đóng vai trò tương tự như giá tối đa.
* Về quản lý nhà nước đối với dịch vụ thẩm định giá
Tây Ban Nha chỉ thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho các mục đích gồm: vay thế chấp ngân hàng, giá trị hợp lý trong bảo hiểm, xác định giá trị tài sản của quỹ đầu tư bất động sản , xác định giá trị bất động sản của các quỹ hưu trí. Hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho các mục đích này hiện chiếm trên 80% hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá tại Tây Ban Nha. Đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho các mục đích mà Nhà nước không quy định, các bên tự thỏa thuận tuân theo các tiêu chuẩn thẩm định giá của các tổ chức quốc tế như IVSC, RICS. Chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho các mục đích được Nhà nước quy định là các doanh nghiệp thẩm định giá được Ngân hàng nhà nước Tây Ban Nha cấp phép. Tiêu chuẩn thẩm định giá được sử dụng cho các hoạt động này là lệnh ECO/805/2003 do Bộ Kinh tế ban hành. Tây Ban Nha không thực hiện cấp Thẻ thẩm định viên về giá mà quy định các yêu cầu năng lực chuyên môn, bằng cấp tối thiểu mà người làm thẩm định giá cần đáp ứng khi tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của nhân viên của mình trong quá trình cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho khách hàng thẩm định giá, có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên làm công tác thẩm định giá. Để bảo đảm tính độc lập và chuyên sâu, doanh nghiệp thẩm định giá chỉ được kinh doanh lĩnh vực thẩm định giá mà không được tham gia vào kinh doanh lĩnh vực khác, đồng thời các ngân hàng bị cấm sở hữu, góp vốn vào doanh nghiệp thẩm định giá. Ngân hàng Nhà nước Tây Ban Nha giữ vai trò giám sát hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá, giải quyết tranh chấp về lợi ích giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá. Việc này được thực hiện thông qua cơ sở dữ liệu về thẩm định giá. Thông qua cơ sở dữ liệu sẽ phát hiện các kết quả thẩm định giá cao hoặc thấp bất hợp lý.
2. Về cơ chế, quản lý điều hành giá của Hy Lạp
Hy Lạp là một đất nước bán đảo và miền núi thuộc bán đảo Balkans. Quốc gia này có đường bờ biển lớn nhất châu Âu (13.676km) do có nhiều hòn đảo. Hy Lạp có tổng cộng 2.000 hòn đảo nhưng chỉ có tổng cộng 168 người sinh sống. Hy Lạp có diện tích: 131.957 km2 với dân số: 10.533.871 người (ước tính 2022).
Về kinh tế, Hy Lạp có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với khu vực công chiếm khoảng 40% GDP và với GDP bình quân đầu người bằng khoảng 2/3 so với các nền kinh tế hàng đầu khu vực đồng tiền chung Châu Âu. Du lịch cung cấp 18% GDP Người nhập cư chiếm gần 1/5 lực lượng lao động, chủ yếu trong các công việc nông nghiệp và lao động phổ thông . Hy Lạp là nước hưởng lợi lớn từ viện trợ của EU, tương đương khoảng 3,3% GDP hàng năm.
Nền kinh tế Hy Lạp tăng trưởng trung bình khoảng 4% mỗi năm từ năm 2003 đến năm 2007, nhưng nền kinh tế này đã đi vào suy thoái vào năm 2009 do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, thắt chặt các điều kiện tín dụng và việc Athens không giải quyết được thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Đến năm 2013, nền kinh tế đã suy giảm 26 % so với mức trước khủng hoảng năm 2007. Hy Lạp đã đáp ứng tiêu chí thâm hụt ngân sách của Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định của EU là không quá 3% GDP trong năm 2007, 2008 nhưng đã vi phạm vào năm 2009 khi thâm hụt lên tới 15% GDP. Tình trạng tài chính công suy yếu, số liệu thống kê không chính xác và báo cáo sai cùng với việc cải cách không hiệu quả nhất quán đã khiến các tổ chức xếp hạng tín dụng lớn hạ cấp xếp hạng nợ quốc tế của Hy Lạp vào cuối năm 2009 và khiến nước này rơi vào khủng hoảng tài chính. Vào tháng 4 năm 2010, một cơ quan tín dụng hàng đầu đã ấn định mức tín nhiệm thấp nhất có thể của nợ Hy Lạp và vào tháng 5 năm 2010, IMF và các chính phủ khu vực đồng tiền chung Châu Âu đã cung cấp cho Hy Lạp các khoản vay ngắn hạn và trung hạn khẩn cấp trị giá 147 tỷ đô la để nước này có thể trả nợ cho các chủ nợ. Năm 2017, Hy Lạp chứng kiến sự cải thiện về GDP và tỷ lệ thất nghiệp. Các cải cách kinh tế chưa hoàn thành, một vấn đề nợ lớn không hiệu quả, và sự không chắc chắn liên quan đến đường hướng chính trị của đất nước đã kìm hãm nền kinh tế. Đại dịch Covid 19 đã tạo cơ hội cho ngành vận tải biển của Hy Lạp phát triển, qua đó thu hút đầu tư và nhân lực từ nước ngoài, với tiềm năng cảng biển, Hy Lạp giữ vai trò cửa ngõ để các nhà sản xuất thâm nhập vào thị trường chung Châu Âu. Chiến tranh Nga - Ukraine cũng đã tạo ra lợi thế cho Hy Lạp khi nước này trở thành đầu mối trung chuyển khí đốt hóa lỏng vào Châu Âu.
Về chính sách quản lý giá, Hy Lạp cơ bản thực hiện cơ chế giá thị trường, chỉ thực hiện kiểm soát giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như mặt hàng dược phẩm và thực phẩm . Đối với mặt hàng thuốc, Hy Lạp sử dụng cơ chế giá tham chiếu (lấy mức giá thấp nhất của các nước EU) để áp giá cho mặt hàng thuốc trong nước Đối với mặt hàng thực phẩm, Chính phủ Hy Lạp đã áp dụng giá trần đối với một số mặt hàng như bánh mỳ sandwiches, trà, cà phê, nước uống đóng chai được bán tại nhà hàng, quán bar, sân bay, tàu biển, sân vận động, bãi biển thu phí. Hành không niêm yết giá, bán cao hơn giá niêm yết, niêm yết không cụ thể về hàng hóa sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt từ 500 Euro - 1000 Euro, tái phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi. Trong năm 2022, Chính phủ Hy Lạp cũng áp dụng biện pháp giá trần đối với mặt hàng khí cho điện nhằm hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng thông qua cơ chế trợ giá. Về thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về thẩm định giá tại Hy Lạp là Bộ Tài chính. Trước đây Bộ Tài chính có hệ thống trung tâm thẩm định giá của Nhà nước, tuy nhiên, sau năm 2008 đã phát triển loại hình doanh nghiệp thẩm định giá và thành lập Hội thẩm định giá Hy Lạp năm 2009 với 96 thẩm định viên. Đến nay Hội thẩm định giá Hy Lạp đã có 2000 thành viên. Về cơ chế giá trần khí bán cho diện và kiểm soát lạm phát của Hy Lạp , Đoàn công tác báo cáo cụ thể như sau:
* Về cơ chế giá trần khí bán cho điện
Hy Lạp vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, do đó, trong điều kiện bình thường Nhà nước cơ bản không can thiệp vào giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp trực tiếp vào giá hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp thị trường vận hành không hiệu quả. Đối với giá khí bán cho điện trong giai đoạn hiện nay, Hy Lạp cho rằng thị trường đã vận hành không hiệu quả, cụ thể theo nguyên lý thị trường khi giá hàng hóa, dịch vụ tăng lên sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, tuy nhiên, đối với thị trường khí hiện nay, các nhà sản xuất đã không tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất vì lý do các nhà sản xuất đều nghĩ rằng việc tăng giá bán chỉ là nhất thời, không kéo dài (dự báo đến năm 2023) do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine, nếu đầu tư xong thì lúc đó giá cũng đã hạ và không bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Do đó, Hy Lạp đã áp dụng biện pháp giá trần đối với khí bán cho diện nhằm kiểm soát lợi nhuận siêu ngạch của các nhà sản xuất khí trong bối cảnh giá đầu ra tăng cao trong khi chi phí ít thay đổi, hỗ trợ các nhà sản xuất hàng hóa cũng như người tiêu dùng thông qua phân bổ lại lợi nhuận của những nhà sản xuất khí.
* Về kiểm soát lạm phát
Hy Lạp cũng như các quốc gia khác trong khu vực đồng tiền chung Euro, chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát được thực hiện thống nhất theo chính sách của Ngân hàng trung ương Châu Âu. Lạm phát của Hy Lạp trong năm 2022 dự kiến khoảng 15%. Hy Lạp không đặt ra mục tiêu lạm phát để tránh tạo ra kỳ vọng về lạm phát vì theo lý giải khi Chính phủ đặt ra mục tiêu lạm phát thì các nhà sản xuất sẽ tăng giá bán theo lạm phát mục tiêu của Chính phủ và khi đó lạm phát mục tiêu sẽ trở thành lạm phát thực tế.
Kết luận:
Cơ chế thị trường nói chung, cơ chế giá thị trường nói riêng đều có những “khuyết tật”, đó là độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá, các dịch vụ xã hội thiết yếu và khu vực kinh tế tư nhân ít quan tâm đầu tư (vì lợi nhuận thấp) như hạ tầng xã hội, các hàng hóa công cộng… Những khuyết tật đó đã gây ra những “thất bại” của thị trường, bao gồm các thất bại về hiệu quả, công bằng, ổn định kinh tế vĩ mô, thông tin, thị trường không hoàn thiện, hàng hóa công cộng… Nhà nước với vai trò điều phối nền kinh tế cần phải khắc phục những khuyết tật đó thông qua phối hợp sử dụng nhiều công cụ về tài chính – kinh tế, trong đó có những quy định về quản lý giá, điều hành giá. Sự can thiệp đó đòi hỏi phải đúng chức năng, phù hợp, bảo đảm để giá cả vận hành theo cơ chế thị trường và các quy luật vốn có của nó (quy luật giá trị, quy luật cung – cầu, cạnh tranh), đồng thời khắc phục được khuyết tật của thị trường thông qua các biện pháp như kiểm soát giá độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh về giá, kiểm soát chi phí và giá cả khi có tình trạng khẩn cấp hoặc những biến động bất thường, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển hướng tới các mục tiêu hiệu quả, công bằng và ổn định.
Ngoài ra, thực tế cho thấy tuy nền kinh tế nước ta đã chuyển sang cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng là thị trường chưa hoàn thiện, vẫn còn đan xen giữa thị trường và chưa thị trường, thường xuyên phát sinh các yếu tố mới, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những biến động của nền kinh tế thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu Nhà nước phải thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý giá hiện hành cho phù hợp với các diễn biến mới của nền kinh tế nhằm tác động hợp lý vào cung-cầu mang tính vĩ mô như: Không để xảy ra mất cân đối cung cầu, luôn có những dự trữ đủ mạnh, điều hành linh hoạt tỷ giá, lãi suất, kiểm soát giá độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh về giá, chống bán phá giá, chống chuyển giá nội bộ. Kiểm soát các yếu tố hình thành giá, chi phí tiền lương, tiền thưởng, thu nhập chịu thuế để loại bỏ việc hạch toán các chi phí không hợp lý…
Cuối cùng, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế với phạm vi và mức độ ngày càng sâu rộng, tính chất cạnh trạnh ngày càng quyết liệt, việc xây dựng cơ chế quản lý và điều hành giá và việc áp dụng các biện pháp về quản lý giá phải bảo đảm nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, phải thực hiện công bố danh mục các mặt hàng và dịch vụ chịu sự quản lý của Nhà nước và mọi sự thay đổi phải được công bố công khai. Khi áp dụng các biện pháp quản lý giá phải cân nhắc đến lợi ích của bên xuất khẩu là thành viên của WTO để không tạo ra bất lợi cho các đối tác này, không tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tuân thủ nguyên tắc đối xử quốc gia (NT); quy định và sử dụng phù hợp không trái với các cam kết quốc tế về các biện pháp tự vệ chính đáng, các biện pháp chống trợ cấp, trợ giá đối với hàng hóa nhập khẩu và các biện pháp hỗ trợ, bảo hộ; áp dụng những hệ thống rào cản hợp lý để bảo vệ thị trường nội địa… Đồng thời, áp dụng các biện pháp bảo đảm thông tin công bằng về giá trong thương mại quốc tế, phù hợp với các quy định của WTO… Có thể nói, cơ chế quản lý và điều hành giá là một trong các nội dung trọng tâm được xem xét để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường./.