Khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đối với các gói hỗ trợ tài khóa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và một số khuyến nghị
Nghiên cứu này sẽ phân tích các gói hỗ trợ tài khóa đã được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó tập trung cụ thể vào khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ chế hỗ trợ tài khóa trong giai đoạn phục hồi kinh tế sắp tới.
Đại dịch Covid-19 được coi như một cú sốc phi truyền thống gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng cũng như nền kinh tế toàn cầu. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2021 hứng chịu cú sốc kép từ phía cung do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn và phía cầu do người tiêu dùng cắt giảm mạnh chi tiêu. Để vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách hỗ trợ hướng tới việc giảm nhẹ nghĩa vụ tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và đảm bảo khả năng duy trì sản xuất cho doanh nghiệp. Trong các chính sách ứng phó và hồi phục kinh tế, các biện pháp hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa đóng một vai trò hết sức quan trọng nhờ những tác động trực tiếp và nhanh chóng. Nghiên cứu này sẽ phân tích các gói hỗ trợ tài khóa đã được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó tập trung cụ thể vào khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ chế hỗ trợ tài khóa trong giai đoạn phục hồi kinh tế sắp tới.
1. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và khả năng tiếp cận
1.1. Nội dung các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa
Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp trong 02 năm 2020 và 2021. Các chính sách tài khóa được triển khai xoay quanh các cơ chế (i) miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền thuê đất, thuế nhập khẩu hàng hóa, các loại phí, lệ phí, (ii) tăng cường đầu tư công. Các chính sách được ban hành nhằm ứng phó và hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. (Bảng 1)
Bảng 1: Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp đã triển khai trong giai đoạn đại dịch Covid-19
Thứ nhất, các chính sách hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, ưu đãi thuế
Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, Chính phủ triển khai chủ yếu các gói hỗ trợ về thuế. Một số chính sách hỗ trợ thuế cụ thể trong năm 2020 bao gồm: Gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và tiền thuê đất cho khoảng 740 nghìn doanh nghiệp còn hoạt động và hầu hết các hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh do dịch bệnh với tổng giá trị gói hỗ trợ 180 nghìn tỷ đồng; giảm 15% tiền thuê đất phải nộp năm 2020 cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất, kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm 30% thuế TNDN phải nộp của năm 2020 cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3/2020 đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3/2020 cho đến hết tháng 9/2020. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các gói hỗ trợ tài khóa đã ban hành năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng. (Bảng 2)
Bảng 2: Quy mô các gói hỗ trợ tài khóa cho doanh nghiệp năm 2020
Năm 2021, Việt Nam bước vào giai đoạn 3 và 4 của đại dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn hơn, Chính phủ tiếp tục ban hành thêm chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN ưu đãi thuế với hàng hóa nhập khẩu, cắt giảm các loại phí, lệ phí và trợ giá các doanh nghiệp. Một số chính sách hỗ trợ thuế cụ thể trong năm 2021 bao gồm: Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021 để hỗ trợ ngành hàng không; cắt giảm trên 29 nhóm phí, lệ phí theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14; chính sách hỗ trợ toàn diện hơn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP; chính sách ưu đãi thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 106/NQ/CP. Quy mô gói hỗ trợ tài khóa dành cho doanh nghiệp đã ban hành năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng. (Bảng 3)
Bảng 3: Quy mô các gói hỗ trợ tài khóa cho doanh nghiệp năm 2021
Thứ hai, chính sách đẩy mạnh đầu tư công
Bên cạnh các gói hỗ trợ tài khóa nêu trên, Chính phủ cũng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công làm nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 và 2021, được thể hiện qua một số văn bản như: Nghị quyết số 84/NQ-CP; Công văn số 622/TTg-KTTH và 623/TTg-KTTH; Kết luận số 242/TB-VPCP và Nghị quyết số 63/NQ-CP. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, mức độ tiếp cận của các dự án, doanh nghiệp và địa phương còn rất hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tính tại thời điểm ngày 31/12 cùng kỳ năm 2020 đạt 82,66%); trong đó, vốn trong nước đạt 83,66% (cùng kỳ năm 2020 đạt 87,12%), vốn nước ngoài đạt 26,77% (tính tại thời điểm ngày 31/12 cùng kỳ năm 2020 đạt 46,06%). Như vậy, các chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 đều thấp hơn so với năm 2020.
Quy mô các cơ chế hỗ trợ tài khóa cho các đối tượng doanh nghiệp trong nền kinh tế trong năm 2020 và 2021 được thống kê trong Bảng 2 và 3. Năm 2020, tổng quy mô của các gói hỗ trợ tài khóa là 129 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,06% GDP năm 2020). Năm 2021, tổng quy mô của các gói hỗ trợ tài khóa là 138 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,21% GDP năm 2020). Như vậy, tổng quy mô hai gói hỗ trợ tài khóa năm 2020 và 2021 đã được thực hiện vào khoảng 4,27% GDP năm 2020 của Việt Nam. Nghiên cứu tính toán quy mô gói hỗ trợ tài khóa dựa trên những hỗ trợ trực tiếp dành cho doanh nghiệp, vì vậy, các hỗ trợ thông qua đẩy mạnh đầu tư công không tổng hợp vào quy mô hỗ trợ ở đây.
1.2. Đánh giá mức độ thuận lợi trong tiếp cận các cơ chế hỗ trợ tài khóa
Để đánh giá khả năng tiếp cận các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và cơ chế hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa nói riêng, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng đã tiến hành khảo sát 483 doanh nghiệp. Đối tượng thực hiện khảo sát là cấp quản lý và cán bộ, nhân viên công tác tại các doanh nghiệp trải rộng tại 23 tỉnh, thành trong cả nước và được lựa chọn dựa trên phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Các doanh nghiệp được khảo sát thuộc 05 loại hình doanh nghiệp và hoạt động trong 13 lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Từ 650 phiếu được phát ra, nhóm nghiên cứu thu về 539 phiếu trả lời (đạt tỷ lệ trả lời 82,9%). Số phiếu trả lời đáp ứng tiêu chuẩn dùng cho phân tích trong báo cáo nghiên cứu là 483 phiếu (Hình 1, 2).
Hình 1: Các cơ chế hỗ trợ về tài khóa mà doanh nghiệp đã tiếp cận
Hình 2: Những khó khăn chính khi tiếp cận gói hỗ trợ về tài khóa
Theo kết quả khảo sát trên 483 doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác nhau, có 58,38% doanh nghiệp tiếp cận được các hỗ trợ tài khóa (282 doanh nghiệp đã tiếp cận). Trong đó, ngành nông - lâm - ngư nghiệp có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận với gói hỗ trợ tài khóa cao nhất và các ngành có tỷ lệ tiếp cận thấp là ngành xây dựng, thương mại và bán lẻ. Trong các chính sách hỗ trợ, chính sách được các doanh nghiệp tiếp cận nhiều nhất là (i) Giảm và hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp (35,8%); (ii) Giảm và hoãn tiền thuê đất (24,6%); (iii) Giảm và hoãn các loại thuế phí khác (22,77%); (iv) Giảm và hoãn như thuế GTGT (18,4%), ưu đãi thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là chính sách hỗ trợ được tiếp cận ít nhất (12,21%).
Khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ về tài khóa của doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng của một số yếu tố khó khăn như: Các thủ tục phức tạp, yêu cầu chặt chẽ về đối tượng áp dụng, hạn chế trong tiếp cận thông tin, các giải pháp hỗ trợ không phù hợp hoặc không đủ lớn. Trong đó, khó khăn được nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đề cập đến nhất đó là khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính (có 253 lần doanh nghiệp nhắc đến khó khăn này), tiếp theo đó là khó khăn về đối tượng được nhận hỗ trợ (206 lần), thông tin hỗ trợ (157 lần), sự phù hợp về biện pháp hỗ trợ (132 lần), quy mô và ưu đãi của các hỗ trợ (108 lần).
Bên cạnh nguyên nhân do sự phức tạp về thủ tục, quy trình có thể thấy còn điểm bất hợp lý trong các chính sách khiến các doanh nghiệp không được hưởng hỗ trợ còn nhiều. Đó là đối tượng thụ hưởng chính sách tài khóa hỗ trợ chưa tập trung vào đúng đối tượng cần hỗ trợ. Ví dụ như theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 và quy định chi tiết thi hành theo Nghị định số 114/2020/NĐ-CP, chính sách giảm 30% thuế TNDN tập trung vào các đơn vị có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Mặc dù về mặt lý thuyết, chính sách áp dụng chung đối với các doanh nghiệp, nhưng đối tượng hưởng lợi lại chủ yếu là các doanh nghiệp có lợi nhuận. Trong khi đối tượng chịu thiệt hại chính từ đại dịch Covid-19, bao gồm các doanh nghiệp có lãi ít hoặc bị lỗ thì lại không được hỗ trợ từ ưu đãi thuế này. Điều này được minh chứng trong số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (2020) khi các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn đánh giá mức độ hữu ích của các chính sách hỗ trợ cao hơn các nhóm còn lại.
Tiếp đến là những khó khăn về biện pháp hỗ trợ cụ thể và quy mô của các hỗ trợ. Ví dụ như thời gian giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp rất ngắn nên phần doanh nghiệp được hỗ trợ rất nhỏ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã hoàn thành việc nộp thuế cho năm 2019 trong quý I/2020, hoặc đã đóng tiền thuê đất. Theo đó, các doanh nghiệp này không xin gia hạn nữa. Một số khác bị ngừng trệ hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thậm chí không phát sinh thuế. Theo khảo sát trong nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2020), trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, cơ quan thuế chỉ tiếp nhận đơn đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của khoảng 17% số doanh nghiệp hoạt động (tính đến ngày 28/7/2020).
1.3. Đánh giá mức độ hữu ích của các cơ chế hỗ trợ tài khóa
Các chính sách tài khóa nhìn chung đều thể hiện rõ quan điểm và mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Từ góc độ của mình, các doanh nghiệp cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Trong các nhóm chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng gói hỗ trợ tài khóa có tác động mạnh nhất so với các gói hỗ trợ khác. Có 42,8% doanh nghiệp được khảo sát bởi tác giả cho biết, các hỗ trợ tài khóa có mức độ tác động cao tới hoạt động doanh nghiệp. Kết quả khảo sát trong nghiên cứu này là tương đồng với kết quả khảo sát của VCCI (2020), trong số các doanh nghiệp đã tiếp cận được gói hỗ trợ, khoảng 70% số doanh nghiệp đánh giá chính sách hỗ trợ tài khóa là hữu ích đối với doanh nghiệp, cao hơn các cơ chế hỗ trợ tiền tệ, tín dụng và an sinh xã hội. (Hình 3, 4)
Hình 3: Mức độ tác động của các gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp
Hình 4: Mức độ hữu ích của các gói hỗ trợ tài khóa với doanh nghiệp
Trong số đó, các chính sách tài khóa được đánh giá cao nhất về mức độ hữu ích bởi phần lớn các doanh nghiệp là các chính sách về giảm hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm và hoãn thuế GTGT, giảm và hoãn tiền thuê đất và các loại thuế phí khác. Các chính sách ưu đãi thuế đối với hàng hóa nhập khẩu được đánh giá hữu ích thấp nhất do ít đối tượng doanh nghiệp đã tiếp cận được các biện pháp hỗ trợ này.
1.4. Kết quả đạt được và một số vấn đề còn tồn tại của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công cụ tài khóa
1.4.1. Kết quả đạt được
Về cơ bản, các cơ chế tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực sau:
Thứ nhất, các chính sách được ban hành cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh Covid-19, tương đồng với cách tiếp cận của nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng.
Thứ hai, qua nhiều lần sửa đổi và bổ sung, các chính sách dần hoàn thiện, phù hợp và kịp thời hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.
Thứ ba, các chính sách đến thời điểm hiện tại được thực hiện với chi phí thấp, do vậy không ảnh hưởng lớn đến các cân đối chủ chốt của nền kinh tế, đồng thời duy trì dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ tư, một số chính sách hỗ trợ được cho là rất hữu ích, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong đại dịch Covid-19, ví dụ như giảm, hoãn thuế, phí, lệ phí.
Thứ năm, kết quả của nhiều giải pháp đã góp phần quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 và 2021, duy trì triển vọng kinh tế tích cực của đất nước và tạo dựng được nguồn lực chống dịch trong trung và dài hạn, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
1.4.2. Một số vấn đề còn tồn tại
Các chính sách tài khóa trong thời gian vừa qua nhằm ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp được đánh giá là khá đầy đủ, kịp thời và mục tiêu đặt ra rất rõ ràng và phù hợp. Các gói chính sách là tương đồng với chính sách của các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai bộc lộ một số hạn chế căn bản sau:
Thứ nhất, các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu.
Thứ hai, liều lượng chính sách còn khiêm tốn, cùng với đó là số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.
Thứ ba, mức độ hữu ích của chính sách hỗ trợ có xu hướng tỷ lệ thuận với mức độ tiếp cận thông tin về chính sách. Theo đó, những doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách kém thường là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều hơn lại không được hỗ trợ hiệu quả từ chính sách.
Thứ tư, nhiều chính sách hỗ trợ có quy trình xét duyệt còn phức tạp, các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, thời gian xử lý lâu do bị ảnh hưởng bởi các quy định giãn cách xã hội.
Thứ năm, các chính sách cải thiện đầu tư công được thực hiện trong giai đoạn vừa qua chưa phát huy hiệu quả cao để thúc đẩy tốc độ giải ngân đầu tư công, chưa tạo được cú hích mạnh để thúc đẩy tăng trưởng.
2. Khuyến nghị đối với chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Các chính sách tài khóa đã có hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 và 2021, duy trì triển vọng kinh tế tích cực của đất nước và tạo dựng được nguồn lực chống dịch trong trung và dài hạn. Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, bối cảnh chính sách tài khóa về cơ bản sẽ thay đổi, chuyển dần từ mục tiêu ngắn hạn là kiềm chế đại dịch và hỗ trợ doanh nghiệp sang mục tiêu dài hạn là phục hồi nền kinh tế. Vì vậy, các cơ chế hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa hiện nay xuất hiện những vấn đề cần củng cố, bổ sung nhằm nâng cao khả năng tiếp cận cũng như hiệu quả hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp.
Dư địa chính sách tài khóa hiện tại của Việt Nam còn lớn thể hiện ở thu ngân sách năm 2021 vượt dự toán. Cả năm 2021, thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.545.060 tỷ đồng, đạt 115,03%; thuế, phí vượt năm 2020 khoảng 7%. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách và trần nợ công vẫn duy trì trong mức cho phép, khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào. Vì vậy, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi NSNN cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2022 - 2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi NSNN để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3 - 5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở dư địa chính sách khả dụng, Chính phủ cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ tài khóa với quy mô đủ lớn nhằm đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi. Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động, hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp hướng vào các ngành lan tỏa và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch; các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó các khoản trợ cấp trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng. Về dài hạn với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.
Các chính sách hỗ trợ tài khóa cụ thể đã được triển khai cần được xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng, liều lượng, thời gian hỗ trợ. Đồng thời các đơn vị triển khai hỗ trợ cần tập trung cải thiện hiệu quả của công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành. Các quy trình, giai đoạn thẩm định cần được đơn giản hóa hết mức, tập trung vào giai đoạn hậu kiểm và các chế tài xử phạt đối với các hành vi trục lợi chính sách.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng cần được coi là một công cụ quan trọng hàng đầu của chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới. Trong đó, cần tập trung vào những biện pháp: Cắt giảm những công trình đầu tư công chưa cần thiết; tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn; nâng cao thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp; xem xét thí điểm cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp.
3. Kết luận
Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Những chính sách hỗ trợ trong giai đoạn 2020 - 2022 đã cho thấy sự thận trọng và kỹ lưỡng của Chính phủ trong chính sách điều hành, đồng thời vẫn phát huy được vai trò quan trọng trong duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục của hệ thống doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong các nhóm chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp được khảo sát bởi tác giả cho rằng, gói hỗ trợ tài khóa có tác động mạnh nhất so với các gói hỗ trợ khác. Trên cơ sở những thành công đạt được và các vấn đề còn tồn tại, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn sắp tới cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, làm động lực cho tăng trưởng bền vững.
_________________________________ Tài liệu tham khảo:
1. Đại học Kinh tế quốc dân (2020). Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách. 2. Học viện Ngân hàng (2020). Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam. 3. NEU-JICA (2020). Đánh giá các chính sách ứng phó với Covid-19 và các khuyến nghị, tháng 12/2020, Hà Nội. 4. Phạm Hồng Chương và cộng sự (2020). Tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 274 tháng 4/2020. 5. VCCI (2020). Kết quả khảo sát sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam quý II/2020 và đánh giá tác động của giai đoạn 2 dịch Covid-19 đến doanh nghiệp và người lao động, tháng 9/2020. 6. VCCI (2021). Báo cáo tình hình và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tháng 9/2021, Văn phòng Chính phủ. 7. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021. 8. Ủy ban Kinh tế (2021). Báo cáo về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Số 115/BC-UBKT15, ngày 26/8/2021, Quốc hội Khóa XV.