Thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030

Ngày 24/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục đích quy định chi tiết hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời để khắc phục các vướng mắc, bất cập của một số quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Từ năm 2020 đến nay, mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với các vấn đề khó khăn chung như: diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng từ cuộc chiến của Nga và Ucraina, chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ trong việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính,…, sự quyết tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành cùng với sự phấn đấu, khắc phục khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đã tạo ra tác động tích cực đến sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Với quy hoạch 39 khu công nghiệp (KCN) và gần 19.000 ha, Đồng Nai đang là tỉnh có nền công nghiệp mạnh trong khu vực Đông Nam Bộ, cũng như cả nước. Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang có chủ trương lựa chọn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn, từ chối kiên quyết các dự án có tác động xấu đến môi trường, gây ô nhiễm, đồng thời sử dụng nhiều lao động và ứng dụng công nghệ lạc hậu. Đồng Nai ưu tiên chào đón các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, công nghiệp phụ trợ, gắn kết và tương quan với chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời các doanh nghiệp cũng cần có lộ trình trong chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, Đồng Nai rất chú trọng thu hút các dự án lớn, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đồng Nai nhằm tận dụng cơ sở đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành sân bay quốc tế Long Thành.
Tỉnh Đồng Nai có trên 38 ngàn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 86%. Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không chỉ có số lượng đông đảo mà đây còn là thành phần kinh tế năng động và ngày càng có những những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Với thực trạng nêu trên, nhu cầu của doanh nghiệp trong việc tiếp cận các quy định của pháp luật và chính sách liên quan đến người lao động theo quy định pháp luật của Trung ương và địa phương; tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp – người lao động; doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, hạn chế các rủi ro phát sinh xuất phát từ quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động v.v…, qua đó nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là rất lớn. Từ đó, cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu, giúp UBND tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.
1. Kết quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn
tỉnh
Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã không ngừng nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Về phía tỉnh, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo triển khai các chính sách linh hoạt, phù hợp với tình hình địa phương, tạo mọi điều kiện nhằm xây dựng môi trường thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng,….
Công tác tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP; Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1146/QĐ-BTP ngày 13/7/2021 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2021 của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc thông qua việc quán triệt trong các cuộc họp, hội nghị, nhất là đối với công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. 
 
Thời gian qua, việc triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả tích cực, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, được thể hiện thông qua một số hoạt động chính sau:
1.1 Việc ban hành văn bản triển khai Đề án
Nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, trên cơ sở Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh thống nhất chủ trương ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được phê duyệt tại Quyết định số 23/2021/QĐ-UBND ngày 08/6/2021. Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ chung bao gồm: hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn; đăng ký thành lập DN miễn phí; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý… Ngoài ra, đề án cũng xác định nhiệm vụ hỗ trợ trọng tâm là chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
1.2 Việc xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật của tỉnh
Thực hiện Nghị định 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã kịp thời rà soát, thực hiện cập nhật kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật tỉnh. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin trong các VBQPPL, tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm việc cập nhập, đăng tải, giới thiệu những nội dung mới các VBQPPL của Trung ương, của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử thành phần, website của sở, ngành, địa phương, đặc biệt là trang Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai (http://pbgdpl.dongnai.gov.vn) giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tra cứu, tìm hiểu các thông tin liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tiếp nhận và kịp thời giải đáp các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Từ năm 2020 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 58 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 135 Quyết định quy phạm pháp luật (trong đó, gồm 04 Quyết định do Sở Tư pháp trực tiếp tham mưu), thực hiện góp ý trên 2.700 dự thảo văn bản (gồm văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật khác), thẩm định 214 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng VBQPPL của các Sở, ban, ngành, Sở Tư pháp luôn chủ động thực hiện việc đôn đốc, hướng dẫn quy trình xây dựng đúng quy định pháp luật, đặc biệt đối với việc xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh qua các kỳ họp. Đồng thời, việc phối hợp, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ cho các sở, ban, ngành được quan tâm thực hiện, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, giảm thiểu việc sai sót trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn thông qua nhiều hình thức, phương tiện tiếp cận đã góp phần cải thiện và nâng cao nhận thức về pháp luật lao động nói chung và luật an toàn, vệ sinh lao động nói riêng cho người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng. Công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính luôn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên của Tỉnh ủy, bám sát các nội dung chỉ đạo của cấp trên. Bên cạnh đó tỉnh luôn tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật có liên quan đến cải cách hành chính thông qua hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả thực hiện tại cơ quan có sự chuyển biến tích cực, nhất là kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đã chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Từ cấp tỉnh đến các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều chủ động, tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp để tiếp thu, lắng nghe ý kiến và tháo gỡ, khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý. Đối với những trường hợp phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp, tổ chức giải đáp tại buổi làm việc trực tiếp, bằng văn bản hoặc thông qua các hình thức khác. Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, ban, ngành thực hiện nhiệm vụ thường xuyên hướng dẫn doanh nghiệp  lựa chọn, sử dụng dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; cập nhật danh sách các tổ chức hành nghề luật sư và danh sách luật sư đang hành nghề trên địa bàn tỉnh đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp để các doanh nghiệp lựa chọn, sử dụng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý khi cần thiết.
1.3. Về tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cùng với thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng môi trường đầu tư kinh
doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc cho doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh nhiều hình thức
nhằm giúp doanh nghiệp trình bày khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý và các
vấn đề liên quan, đặc biệt là thường xuyên tổ chức các chương trình gặp mặt, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Từ cấp tỉnh đến các địa phương đều chủ động, tích cực đồng hành cùng
doanh nghiệp để tiếp thu, lắng nghe ý kiến và tháo gỡ, khó khăn vướng mắc về
mặt pháp lý. Đối với những trường hợp phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực,
các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp, tổ chức giải đáp tại buổi
làm việc trực tiếp, bằng văn bản hoặc thông qua các hình thức khác.
1.4. Các nội dung khác
Phối hợp các sở, ban, ngành; Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Nai; Báo Đồng Nai; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố biên soạn, phát hành và tổ chức phổ biến các tài liệu giới thiệu các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tài liệu bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho các đối tượng quản lý doanh nghiệp, cán bộ làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp với các hình thức dễ hiểu và dễ áp dụng.
Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật trên cơ sở xây dựng phiếu khảo sát nhu cầu các lĩnh vực pháp luật cần hỗ trợ của doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật theo chuyên đề cho đội ngũ pháp chế các doanh nghiệp theo Chương trình, Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nhìn chung, công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
được các sở, ban, ngành, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh thực hiện cơ bản đầy đủ
theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các doanh nghiệp đã được tiếp cận các thông tin pháp luật nhanhchóng; các chế độ, chính sách, pháp luật được giới thiệu, tập huấn kịp thời đến doanh nghiệp, góp phần nâng cao trình độ pháp luật cho các doanh nghiệp, nhà
đầu tư trong triển khai dự án, kế hoạch; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính,
khó khăn, vướng mắc, góp phần hỗ trợ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh
doanh cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh của doanh
nghiệp.
2. Khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và quá trình triển khai Nghị định số
55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
nói riêng, tỉnh Đồng Nai nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc sau:
- Từ khi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay, địa phương chưa nhận được văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai thực hiện, do đó việc tham mưu ban hành chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14 và việc triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 12 còn chậm ban hành.
- Một số doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn còn chưa mặn mà với các chính sách hỗ trợ của địa phương, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật chưa cao, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về an toàn thực phẩm, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy. Đồng thời các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ pháp lý, chưa tích cực tham gia các lớp tập huấn khi được mời; các doanh nghiệp còn tâm lý e ngại khi tham gia các chương trình hỗ trợ pháp lý.
- Đội ngũ cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng pháp luật.
- Công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đều là kiêm nhiệm; chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; khối lượng công việc chuyên môn ngày càng tăng (do tinh giản biên chế) nên đôi lúc việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hiệu quả chưa cao. 
- Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số cơ quan, địa phương trong tỉnh còn mang tính hình thức, trùng lặp. Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp của một số cơ quan, đơn vị chủ yếu là triển khai các văn bản pháp luật mới, chưa bám sát theo nhu cầu của doanh nghiệp.
- Một số doanh nghiệp chưa thật sự chủ động trong tiếp cận thông tin về pháp luật; chưa có sự quan tâm đúng mức đến các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Khi các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động khảo sát để tìm hiểu nhu cầu hỗ trợ của các DN (Trong tháng 8/2022, Sở Tư pháp đã triển khai khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến, online, tuy nhiên đến hết thời gian khảo sát, Sở Tư pháp chỉ thống kê được có 7 ý kiến khảo sát của các doanh nghiệp), bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp thì đa số DN không quan tâm, phối hợp thực hiện.
- Trong năm 2020 và 2021, do tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp nên việc mở các lớp ngắn hạn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; tổ chức các cuộc Hội nghị, Hội thảo triển khai các văn bản liên quan đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được triển khai thực hiện do các chỉ thị về giãn cách xã hội của Trung ương và địa phương.
3. Đề xuất, kiến nghị
- Cần ban hành quy định cụ thể về các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với từng bộ, ngành đã được quy định tại Luật Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm cơ sở để các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có căn cứ xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý theo đúng quy định. Cụ thể hóa các chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để địa phương kịp thời ban hành triển khai thực hiện.
- Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho mạng lưới tư vấn pháp luật cấp tỉnh, đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (công chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; nhân viên pháp chế liên quan trực tiếp đến việc quản lý, tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp) nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” cần tập trung vào các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp với nội dung là các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể như: Pháp luật về sở hữu trí tuệ; Pháp luật về hợp đồng; Pháp luật về Đấu thầu; Pháp luật về thuế, hải quan; Pháp luật về phá sản; Pháp luật giải quyết tranh chấp hợp đồng; Pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội; Pháp luật về cạnh tranh, kinh doanh bất động sản, đầu tư; các quy định mới của Bộ luật dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng;…hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các cam kết trong hội nhập quốc tế cụ thể: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do FTA… nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về công tác pháp chế trong doanh nghiệp; nâng cao ý thức pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp phòng ngừa những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh có thể xảy ra và phòng tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh; làm rõ những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp càng vững vàng hơn trong hoạt động của mình và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Về tư vấn pháp luật, tại mục tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trên Trang Thông tin hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, cần đưa ra các câu hỏi về các vấn đề mà doanh nghiệp đang quan tâm để thu hút được các doanh nghiệp đối với hoạt động này. Đa dạng hóa các hình thức tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp như: tổ chức các buổi tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp, thành lập mạng lưới tư vấn viên pháp luật là những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm tư vấn để tư vấn cho các doanh nghiệp qua điện thoại, email và các hình thức khác nhằm kịp thời hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có nhu cầu cần được tư vấn.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả mạng lưới cộng tác viên khuyến công, đồng thời vận động các doanh nghiệp đảm bảo các thủ tục về an toàn thực phẩm, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy để đáp ứng điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn: Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, may mặc, giầy da, gỗ…là những nhóm doanh nghiệp, ngành nghề chịu thiệt hại lớn từ dịch bệnh Covid-19. Thông qua các Hiệp hội trao đổi truyền thông tin, chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đến các doanh nghiệp một cách nhanh chóng.
- Tăng cường cung cấp thông tin theo hiệu ứng chuỗi cung ứng (sản phẩm sản xuất của doanh nghiệp này là nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp khác) nhằm hỗ trỡ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường nguyên liệu trong nước thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
4. Một số vấn đề khác
Để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực chất, đạt kết quả cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực
hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động phát hiện, tìm hiểu các vấn đề pháp luật mà doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý đang quan tâm, đang phát sinh trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, cần được hỗ trợ pháp lý. Từ đó, có các hình thức để tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả. Hướng dẫn các doanh nghiệp tra cứu, tiếp cận các thông tin, tài liệu pháp luật đã được đăng tải công khai để nghiên cứu, nắm bắt kịp thời, phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là, tăng cường mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa tổ chức đại
diện cho doanh nghiệp (Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ… ) với các cơ quan nhà nước, Đoàn luật sư tỉnh, Hội Luật tỉnh để chuyển tải các ý kiến, vấn đề, nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp đến các cơ quan nhà nước để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp hoặc tư vấn cho doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ pháp lý khi cần thiết.
Ba là, các cơ quan, tổ chức cần tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt
là phương tiện truyền thông đại chúng như: truyền hình, phát thanh, Cổng thông
tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin thành phần của các sở, ban, ngành, địa phương;
sử dụng mạng xã hội... để mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp và thực hiện
các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chú trọng tổ chức các diễn đàn,
tọa đàm để tạo cơ hội giao lưu giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, các luật
sư, luật gia để giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng
và tháo gỡ các khó khăn.
Bốn là, thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và cập nhật các kiến thức pháp luật mới cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các cơ quan Nhà nước và cán bộ làm công tác pháp chế doanh nghiệp, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và năng lực tư vấn pháp lý cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ.
Năm là, tiếp tục xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật: Biên soạn, phát hành và tổ chức phổ biến các tài liệu giới thiệu các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tài liệu bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho các đối tượng quản lý doanh nghiệp, cán bộ làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp với các hình thức dễ hiểu và dễ áp dụng.
Sáu là, để chuẩn bị các nội dung phù hợp cho Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hàng năm, Sở Tư pháp tiến hành khảo sát (bằng Phiếu khảo sát theo đường link và mã QR) về thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để khảo sát nhu cầu các lĩnh vực pháp luật cần hỗ trợ của doanh nghiệp./.