Trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay, cùng với xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp ngoài đối mặt với nhiều cơ hội thì cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất đó chính là những rủi ro về mặt pháp lý trong hoạt động kinh doanh. Để hạn chế được rủi ro đó, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có khả năng tiếp cận và nắm bắt được quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, không chỉ pháp luật trong nước mà cả pháp luật quốc tế để có những quyết định kinh doanh đúng đắn. Tuy nhiên, hiện nay đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), không đủ nguồn lực để đầu tư cho nhân lực có kiến thức, trình độ và kỹ năng liên quan đến các vấn đề pháp lý. Xuất phát từ nhu cầu đó của doanh nghiệp, trong thời gian qua UBND tỉnh Đắk Lắk đã rất coi trọng công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV để đồng hành cùng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong hoạt động quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với nhiều hoạt động cụ thể và dần trở thành người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp và đạt được một số kết quả như sau:
1. Việc ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP
Để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện, ngay sau khi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP được ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành:
- Kế hoạch số 10762/KH-UBND ngày 30/12/2019 triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh;
- Phê duyệt Đề án hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 1839/QĐ-UBND ngày 13/8/2020 của UBND tỉnh);
- Kế hoạch số 2173/KH-UBND ngày 17/3/2021, Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 02/3/2022 về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2021, năm 2022.
Các kế hoạch, Đề án này đều tập trung triển khai xây dựng, thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh; Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật… theo nội dung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đề ra.
Từ khi có Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đến nay, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường đẩy mạnh triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh (Công văn số 6786/UBND-NC ngày 03/8/2020). Theo đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và các kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện nghị định; bố trí 01 công chức làm đầu mối thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, đồng thời là bộ phận đầu mối giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật; cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý theo quy định.
2. Các nội dung hỗ trợ pháp lý cho DNNVV theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP
2.1. Công tác xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật
Với chức năng là cơ quan chủ trì thực hiện việc cập nhật văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh vào Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật tỉnh Đắk Lắk theo quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Sở Tư pháp đã cập nhập kịp thời các văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu và thực thi pháp luật.
2.2. Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý
Sở Tư pháp đã tham mưu mở chuyên mục để đăng tải: các quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà UBND tỉnh là một bên có liên quan; văn bản trả lời của UBND tỉnh đối với vướng mắc pháp lý cho DNNVV trong áp dụng chung về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý lên Trang thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (http://pbgdpl.daklak.gov.vn).
Đồng thời, hiện Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đang nâng cấp hệ thống, phần mềm để thực hiện việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Toà án theo quy định của Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Toà án.
2.3. Công tác tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DNNVV
Hằng năm Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; trong đó với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, Luật đầu tư và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là nội dung chính sách, quy định mới trong các văn bản pháp luật; tư vấn, định hướng hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, cải cách hành chính…
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hàng năm Sở Tư pháp đều tổ chức hội nghị tập huấn về công tác pháp chế, báo cáo viên pháp luật, hỗ trợ pháp lý, phổ biến các văn bản QPPL. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo sở, ban ngành của tỉnh tăng cường tổ chức các hình thức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế cho DNNVV nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, như: pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự, pháp luật lao động, pháp luật về đầu tư, đấu thầu, thuế...
2.4. Đối với công tác xây dựng văn bản QPPL
Trong gần 4 năm (2019-2022), UBND tỉnh đã ban hành 210 quyết định QPPL, trình HĐND tỉnh thông qua 57 nghị quyết QPPL. Công tác xây dựng văn bản QPPL tiếp tục tập trung cụ thể hóa hoặc ban hành các chính sách của địa phương để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh (hỗ trợ về vốn, đất đai, tài chính...); tăng cường khả năng tiếp cận đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua hoạt động hoàn thiện chế định về giá đất, cung cấp, minh bạch hóa thông tin tới doanh nghiệp; các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp... (Cụ thể là các văn bản như: Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 08/7/2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk…).
Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh kiểm soát chặt chẽ quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL, đặc biệt là việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào các đề nghị, dự thảo văn bản QPPL có liên quan đến doanh nghiệp; thực hiện việc đánh giá tác động của chính sách; giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp; phát hiện và đề xuất loại bỏ quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không phù hợp về thẩm quyền, nội dung trong các đề nghị, dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh.
2.5. Đối với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL
Trong giai đoạn 2019-2022, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 210 văn bản QPPL. Các cơ quan chuyên môn đã giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức kiểm tra văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước theo yêu cầu của các bộ, ngành ở trung ương. Qua kiểm tra cho thấy, các văn bản QPPL của tỉnh cơ bản đều bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh năm 2019, năm 2020, năm 2021 và năm 2022 (Kế hoạch số 11461/KH-UBND ngày 27/12/2018; Kế hoạch số 10638/KH-UBND ngày 26/12/2019; Kế hoạch số 11555/KH-UBND ngày 23/12/2020; Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 04/01/2022). Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh được đã được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các sở, ngành, địa phương, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với văn bản hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp, góp phần bảo đảm tính minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật; bảo đảm và bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong áp dụng, thực thi.
2.6. Ngoài ra, các sở, ngành của tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cụ thể như:
- Tổ chức đối thoại trực tiếp, giải đáp bằng văn bản, thông qua tập huấn với danh nghiệp trong các lĩnh vực thuế, kế hoạch và đầu tư…
- Duy trì mô hình “cà phê với doanh nhân” 02 lần/tháng của Lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV
- Từ khi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai thực hiện nghị định; các quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14 và quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP vẫn còn chung chung. Do đó, việc tham mưu ban hành chính sách về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV và việc triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong phạm vi địa phương vẫn còn chậm.
- Các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ pháp lý, chưa tích cực tham gia các lớp tập huấn khi được mời; tâm lý e ngại của các doanh nghiệp khi tham gia các chương trình hỗ trợ pháp lý.
- Các doanh nghiệp, đại diện của các doanh nghiệp chưa thực sự tích cực tham gia góp ý vào các đề nghị, dự thảo văn bản QPPL có liên quan đến quyền, lợi của mình hoặc chủ thể mà mình đại diện; cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL chưa chú trọng lấy ý kiến của các doanh nghiệp một cách sâu, rộng vì vậy chất lượng lấy ý kiến chưa cao và còn mang tính hình thức.
- Một số cơ quan chưa chú trọng đẩy mạnh công tác rà soát văn bản QPPL để phát hiện và kịp thời tham mưu xử lý quy định không phù hợp hoặc chậm đề xuất xây dựng văn bản quy định chi tiết, làm ảnh hưởng đến tính kịp thời trong tổ chức thi hành pháp luật và trật tự thực thi pháp luật, nhất là văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
- Việc triển khai các hoạt động công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có thời điểm, có nhiệm vụ chưa được kịp thời, chưa sâu rộng; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã được triển khai mạnh ở tỉnh và cấp huyện, huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị chưa chủ động triển khai hoặc triển khai không đồng đều, hiệu quả chưa cao.
- Hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói chung và lĩnh vực liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng ở không ít ngành, địa phương chưa hiệu quả do thiếu sự quan tâm chỉ đạo triển khai của người đứng đầu; đội ngũ công chức pháp chế vừa thiếu, vừa không đáp ứng được khối lượng và tính chất công việc ngày càng phức tạp; nhiệm vụ này chưa được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, chủ yếu mỗi năm thực hiện 01 lần nên không thể bao quát, toàn diện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên toàn tỉnh.
- Trong vài năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp nên việc mở các lớp ngắn hạn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; tổ chức các cuộc hội nghị triển khai các văn bản liên quan đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, để giúp cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đi vào nền nếp và bảo đảm hiệu quả, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp một số nội dung như sau:
Một là ban hành quy định cụ thể về các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với từng bộ, ngành và địa phương đã được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh làm căn cứ xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý theo đúng quy định; cụ thể hóa các chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để địa phương kịp thời ban hành triển khai thực hiện.
Hai là đổi mới việc cung cấp thông tin, trên Trang Thông tin hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp - Bộ Tư pháp cần bổ sung thêm chuyên mục cảnh báo rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thường xuyên cập nhật, đăng tải một số bản án, quyết định của Tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham khảo.