Ngoài nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, để mở rộng nguồn vốn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Long đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Đề án, chính sách nhằm bố trí từ ngân sách tỉnh để cho vay như: Đề án cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025; Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Quán triệt Nghị quyết số 11/NQ-CP, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Long đã phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng Đề án cho vay hỗ hợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2022 - 2026, đến nay 8/8 địa phương đã ban hành Đề án với mức kinh phí tối thiểu là 2 tỷ đồng/đơn vị/năm; đồng thời tiến hành rà soát nhu cầu nguồn vốn của tỉnh để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP; Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ để báo cáo Ngân hàng Chính sách Xã hội Trung ương bố trí kinh phí cho tỉnh. Đồng thời hiện nay Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiếp tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2022-2023) với tổng kinh phí là 320 tỷ đồng.
Để triển khai có hiệu quả các nguồn vốn cho vay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Long đã phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHCSXH tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị xã hội từ khâu phân bổ vốn vay, bình xét đối tượng, hoàn thiện hồ sơ, kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay trong suốt quá trình quản lý cho vay vốn. Hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Chi nhánh NHCSXH và các cơ quan có liên quan, thực hiện kiểm tra toàn diện, kiểm soát nội bộ, đồng thời phối hợp tổ chức đánh giá, kịp thời quán triệt, chấn chỉnh. Công tác cho vay được thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ cho vay, rút gọn quy trình thẩm định, giải ngân, thu nợ thu lãi nhằm tạo điều kiện tối đa cho người vay vốn, giảm thiểu thời gian xử lý mà vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, quy trình thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Thông qua nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác, hàng năm có trên 3 ngàn lượt người lao động được vay vốn tạo việc làm trong nước, trên 500 lượt người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần quan trọng vào công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo của tỉnh
Với sự chỉ đạo, hỗ trợ từ Trung ương đến Cấp ủy, UBND các cấp, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác cho vay, kịp thời tham mưu bổ sung nguồn vốn vay đã góp phần tích cực phát huy hiệu quả của nguồn vốn, nhiều lao động được vay vốn tạo việc làm, tạo sự tin tưởng của nhân dân vào các chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên đến nay việc triển khai công tác cho vay vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định:
1) Ngân sách Nhà nước có cấp bổ sung cho Quỹ Quốc gia về việc làm. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của chương trình là rất lớn nên nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đang ngày một tăng cao.
2) Theo quy định tại Luật việc làm thì nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của người lao động phải thuộc trên cùng một địa bàn cấp xã. Điều này đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai cho vay thực tế tại cơ sở, khi có nhiều lao động cư trú hợp pháp tại xã, phường, thị trấn này nhưng lại có dự án đầu tư ở xã, phường, thị trấn khác thì không được vay vốn từ chương trình này.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác trong thời gian tới, đề xuất như sau:
1) Kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi điều kiện vay vốn từ Quỹ Quốc về việc làm là nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của người lao động trên cùng một địa bàn huyện, thị xã, thành phố thay vì trên cùng một địa bàn cấp xã như hiện nay.
2) Hàng năm trên cơ sở rà soát, đề nghị của địa phương, Ngân sách Trung ương bổ sung nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động trên địa bàn tỉnh./.