ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Ngày 28/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nghị định đã được thi hành gần 10 năm.

Ngày 28/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nghị định đã được thi hành gần 10 năm.
Theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm:
(i) Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp;
(ii) Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật;
(iii) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp;
(iv) Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp;
(v) Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật;
(vi) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
2. Ngày 12 tháng 6 năm 2017, Quốc hội thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Trong đó điều 14 quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và giao cho Chính phủ hướng dẫn
3. Tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tập trung vào các vấn đề như:
(i) Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành;
(ii) Xây dưng chương trình hỗ trợ ở các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố;
(iii) Thực hiện các chương trình hỗ trợ cụ thể như:
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu;
  • Giải đáp pháp luật;
  • Phổ biến pháp luật;
  • Bồi dưỡng kiến thức pháp luật;
  • Tiếp nhận ý kiến giải đáp pháp luật;
  • Thực hiện các chương trình cụ thể.
Tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nội dung quan trọng. Tuy nhiên, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng là vấn đề lớn, không chỉ liên quan đến Nghị định số 66/2008/NĐ-CP mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực, vấn đề khác. Ví dụ như thông tin pháp luật (gồm: công báo, cơ sở dữ liệu pháp luật, sách pháp luật), vai trò và hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội nghành nghề, luật sự, công chứng, các tổ chức thông tấn, báo chí…
Bộ tư pháp, với vai trò thay mặt Chính phủ thực hiện và theo dõi chung về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và trực tiếp thực hiện, điều phối thực hiện Chương trình 585… cần có đánh giá chung tất cả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để có cái nhìn tổng quan chung. Có như vậy mới có thể hoạnh định chính sách một cách đầy đủ.
Về các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, ngoài các bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên tổng kết ở các tổ chức, đầu mối khác đã và đang tham gia rất tích cực vào thực hiện trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, cụ thể là:
  • Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam;
  • Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt nam;
  • Các hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề;
  • Các tổ chức thông tấn, báo chí;
  • Liên đoàn luật sư, Hội luật gia và công chứng.
Vai trò lớn phải kể đến là các văn phòng luật sư, đây là hoạt động hỗ trợ quan trọng nhất không chỉ hiện tại mả cả tương lai. Đã hình thành nhiều văn phòng luật sư chỉ chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp và ít nhiều có thực hiện hỗ trọ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt nam cũng như các hiệp hội doanh nghiệp và nghề nghiệp, các tổ chức thông tấn, báo chí... thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thường xuyên. Nhiều tổ chức đã có các chương trình thường xuyên như VCCI, Truyền hình Việt nam, Đài tiếng nói Việt nam...
4. Về hoạt động cung cấp thông tin cần đề cập đến 3 lĩnh vực cơ bản. Gồm công báo, cơ sở dữ liệu điện tử và xuất bản sách pháp lý, cụ thể:
+ Ngày 23/3/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2004/NĐ-CP về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều phải được đăng Công báo. Các văn bản quy phạm pháp luật chỉ có hiệu lực sau khi đã đăng công báo. Đó cũng là cam kết quốc tế về việc bảo đảm tính minh bạch của pháp luật. Công báo là ấn phẩm thông tin pháp lý chính thức do Chính phủ ban hành, vì vậy có giá trị pháp lý tuyệt đối. Mặc dù công nghệ thông tin làm giảm vai trò và ảnh hưởng của Công báo giấy, nhưng về phương diện pháp lý giá trị pháp lý tuyệt đối của công báo không thể thay đổi.
+ Chính phủ, Quốc hội, các bộ, Chính quyền địa phương và nhiều tổ chức đã có trang thông tin trên mạng đăng tải thông tin về văn bản quy phạm pháp luật rất tốt, nhưng thông tin pháp luật trên các địa chỉ này có đặc điểm chung là phân tán, không đầy đủ, khả năng cập nhật kém, chưa được hệ thống hoá, không theo chủ đề, công cụ tìm kiếm hạn chế và chưa phân loại văn bản có hiệu lực, hết hiệu lực...
+ Xuất bản sách pháp luật đang gặt hái những thành công và mang lại những đóng góp quan trọng cho quá trình thực thi pháp luật, nhưng mang nặng tính thương mại nên việc xuất bản sách pháp luật cũng đang góp phần làm cho hệ thống pháp luật vốn đã quá phức tạp càng thêm phức tạp hơn. Xuất bản sách pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước trong việc triển khai thi hành pháp luật.
5. Hoạt động phổ biến kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Đây là một hoạt động đã được tổ chức thực hiện nhiều năm, trước khi có Nghị định 66/2006/NĐ-CP. Hoạt động mang lại những kết quả nhất định nhưng tính hình thức ngày càng tăng, trở thành mệt mỏi không chỉ cho người nghe mà cả người tổ chức, cộng với sự lãng phí nguồn lực.
Cần tiến hành điều tra xã hội học về vấn đề này. Kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp trước hết phải từ chính nhu cầu của doanh nghiệp, sau đó là cách cung cấp. Đối với doanh nghiệp, thời gian là tiền bạc và mọi hoạt động của họ đều liên quan đến chi phí. Vì vậy cách thức cung cấp phải phù hợp. Ví dụ: đối với doanh nghiệp lớn, việc cung cấp nên theo yêu cầu và thu phí. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thông qua hiệp hội. Cần khuyến khích các luật sư tham gia vào hoạt động này. Có nhất thiết phải tổ chức thành các lớp bồi dưỡng hay áp dụng hình thức khác, như thông qua mạng thông tin…
6. Hoạt động giải đáp pháp luật. Nhu cầu về giải đáp pháp luật của doanh nghiệp rất lớn, nhất là tư duy bao cấp trong suy nghĩ của người Việt dẫn đến tình trạng cái gì cũng hỏi Nhà nước. Ở hầu hết các quốc gia, đây là hoạt động của các luật sư.
Hoạt động này đặt ra một vài vấn đề cần xem xét như: (i) giá trị pháp lý của ý kiến giải đáp. Có thể mang ý kiến đó để đệ trình với Tòa án, trọng tài khi giải quyết vụ việc không, và giá trị pháp lý của nó là gì? (ii) nếu ý kiến giải đáp là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền đòi bồi thường thiệt hại không (bồi thường nhà nước)?
7. Thị trường dịch vụ pháp lý. Tuy còn nhiều vấn đề cần bàn, nhưng thị trường dịch vụ pháp lý Việt nam đã hình thành và đang rất năng động trong hoạt động. Thị trường dịch vụ pháp lý có vai trò rất lớn đối với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Vì vậy cần được điều tra và đánh giá để hoạch định chính sách chung về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
8. Một số kiến nghị:
- Cần tổ chức điều tra xã hội học đối với một số vấn đề như nhu cầu hỗ trợ, phương thức hỗ trợ, đánh giá hiệu quả… Thí dụ, các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật nên từ sáng kiến của các hiệp hội. Các hiệp hội sẽ là người điều tra để tìm hiểu nhu cầu. Việc tổ chức có thể do hiệp hội hoặc cơ quan nhà nước, hoặc đồng tổ chức…
          - Cần kế thừa các quy định của Nghi định 66/CP, tức là các hoạt động hỗ trợ trong Nghị định sẽ được giữ nguyên, có điều chỉnh sau khi điều tra xã hội học, tổng kết. Tuy nhiên cần thay đổi cách thức thực hiện.
          - Về công báo: (i) Tăng  khả năng tiếp cận công báo; (ii) Thẩm phán, Trọng tài viên, Luật sư... khi giải quyết vụ việc bắt buộc phải sử dụng công báo; (iii) Công báo đăng tải tờ trình và ý kiến thảo luận tại quốc hội để người sử dụng không có nguồn tham khảo chính thức. Công báo điện tử cần có vị trí xứng đáng trong thời đại công nghệ thông tin.
          - Thành lập trung tâm thông tin dữ liệu pháp luật quốc gia duy nhất, có thẩm quyền cung cấp thông tin chính thức, được cập nhật thường xuyên và được xử lý về kỹ thuật để có thể tìm kiếm theo chủ đề phù hợp với mục đích sử dụng. Phải có đường dẫn (links) đến các mạng thông tin pháp luật quốc tế và các nước khác, nhất là các nước là bạn hàng thường xuyên của doanh nghiệp Việt Nam. Việc truy cập miễn phí với tính chất là một dịch vụ công.
          - Cần có một nhà xuất bản chuyên về sách về văn bản pháp luật, làm việc theo sự uỷ nhiệm của Chính phủ theo hợp đồng. Sách pháp luật phải được in ấn theo mẫu thống nhất, cả bìa sách. Nhiều nhà xuất bản pháp lý trên thế giới hiện nay đóng vai trò pháp điển hóa pháp luật.
          - Bổ sung vai trò kết nối của Bộ tư pháp đối với mọi hoạt động hỗ trợ pháp lý. Ví dụ như để thực hiện một chương trình như CT 585, Bộ tư pháp sẽ lập kế hoạch thực hiện, theo đó sẽ phân công công việc cho các cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện. Đối với các hiệp hội, văn phòng luật sư sẽ thực hiện theo sự ủy nhiệm của Bộ tư pháp…
          Các luật sư  có vai trò gì? Trước đây Bộ tư pháp đã bàn đến việc có các luật sư công. Một kinh nghiệm khác nên được tham khảo là khuyến khích hoặc bắt buộc các văn phòng luật sư phải tham gia hỗ trợ pháp lý. Ví dụ một ngày trong tuần hoặc một tháng trong tuần.
          Hiệp hội có vai trò gì? Thực hiện các hỗ trợ theo yêu cầu của doanh nghiêp; Thực hiện các chương trình hỗ trợ do Nhà nước ủy nhiệm; Tăng cường phổ biến pháp luật theo yêu cầu.
          Cùng với việc nhà nước trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, tổ chức cung cấp ý kiến pháp lý của chuyên gia trên mạng điện tử. Câu hỏi của doanh nghiệp sẽ được đưa lên một trang thông tin điện tử với mục: “Ý kiến chuyên gia luật”, các chuyên gia sẽ đưa ra ý kiến tư vấn để tham khảo.
 
TS. Nguyễn Am Hiểu