Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật lao động tại Bình Định

Thực hiện Quyết định số 827/QĐ-585 ngày 14/4/2020 của Ban quản lý Chương trình 585 về việc phê duyệt danh sách các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động năm 2020 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 1394/QĐ-585, Hợp đồng số 77/BTP-585 ngày 12/6/2020 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, ngày 17/7/2020, Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (phối hợp Vụ Pháp chế) tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.

      Hội nghị với chủ đề "Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật lao động" được tổ chức tại Khách sạn Bình Dương – Chi nhánh Công ty TNHH MTV Tổng công ty 15 với chủ trì là Bà Phạm Thị Thanh Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
      Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu tham dự là Đại diện lãnh đạo Sở LĐTBXH Bình Định, Bảo hiểm xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm, Khu Công nghiệp, KCX các Hiệp hội DN, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn tại tỉnh Bình Định.


     Tại hội nghị Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì cuộc họp giới thiệu những nội dung chính của Bộ luật Lao động 2019. Nội dung là những chính sách, văn bản mới về lĩnh vực tiền lương, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, việc làm...với mục địch nâng cao nhận thức của người quản lý, chủ sở hữu doanh nghiệp và người lao động về tầm quan trọng của pháp luật lao động, qua đó, chủ doanh nghiệp - người sử dụng lao động thấy được trách nhiệm, sự cần thiết trong việc đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật về lao động, đồng thời đối với người lao động sẽ thấy được các nguy cơ xâm phạm quyền và lợi ích trong quá trình lao động và có biện pháp tự bảo vệ mình trong quá trình tham gia lao động; và tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, luật sư, luật gia, doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, chia sẻ, phản ánh những khó khăn, bất cập, vướng mắc về tình hình thực thi pháp luật lao động trong thực tế với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và cơ quan nhà nước liên quan. 
Các đại biểu doanh nghiệp tại hội nghị đã nghe các bài giảng và phát biểu ý kiến, đặt nhiều các câu hỏi để hiểu cụ thể các chính sách mới của Bộ luật Lao động 2019. Đồng thời, các giảng viên nhiệt tình giải đáp chính sách pháp luật lao động giúp doanh nghiệp áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

      Các nội dung tập trung chủ yếu vào Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, việc làm…ví dụ:
      Câu hỏi: Công ty tái cơ cấu muốn cho nhân viên nghỉ việc, nhưng người đó bị bệnh động kinh, có giấy chứng nhận của bác sĩ là phải chữa bệnh từ 2-3 năm và không muốn nghỉ việc. Trường hợp này có chịu sự tác động của Điều 39 Bộ luật Lao động 2012 về trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?
       Trả lời: Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động năm 2012thì người sử dụng lao động không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp, gồm: (i) người lao động bị ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật này; (ii) người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý; (iii) lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này; (iv) người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động năm 2012 và khoản 1 Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ, trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ, gồm: thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 Bộ luật này, trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng, trường hợp không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 Bộ luật này. Như vậy, trường hợp người sử dụng lao động thực hiện thay đổi cơ cấu, công nghệ dẫn đến không thể bố trí được việc làm cho người lao động và phải  cho người lao động nghỉ việc theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
       Hội nghị được các đại biểu tham dự đánh giá cao và mong muốn thời gian tới có nhiều hội nghị với những nội dung thiết thực được tổ chức tại tỉnh Bình Định.