Lớp bồi dưỡng đã thu hút sự tham gia của hơn 80 đại biểu là đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh An Giang; các Luật gia; Luật sư trên địa bàn tỉnh An Giang; công chức phụ trách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh An Giang; nhân viên pháp chế các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang và các các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang. Thực hiện giảng dạy lớp bồi dưỡng là Thạc sỹ, Trọng tài viên Vũ Xuân Hưng, Phó Trưởng phòng Pháp chế Trọng tài, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI Hồ Chí Minh).
Tại lớp bồi dưỡng, giảng viên đã triển khai các nội dung sau:
1. Khái quát về hợp đồng: Điều kiện có hiệu lực, hậu quả khi hợp đồng vô hiệu, kỹ năng cơ bản về thương thảo,...
2. Các tình huống nhận diện rủi ro và thảo luận qua tình huống thực tiễn giải quyết tranh chấp: Căn cứ pháp lý của hợp đồng; chủ thề, người đại diện, chữ ký và con dấu; thông tin đối tác và tìm hiểu năng lực đối tác; xây dựng các nội dung cơ bản; đối tượng, giá cả và phương thức thanh toán; các biện pháp bảo đảm; chế tài do vi phạm hợp đồng; hình thức, thủ tục thanh toán; điều khoản bất khả kháng, bảo mật; áp dụng hiệu quả tập quán thương mại quốc tế (Incoterm; UCP, …).
3. Các biện pháp giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thương mại và so sánh ưu, nhược điểm.
4. Tình huống, vụ việc thực tế từ một số hợp đồng do đơn vị cung cấp và thảo luận, hỏi đáp.
Bên cạnh việc lắng nghe, tiếp nhận kiến thức, thông tin từ báo cáo viên, các đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng đã tiến hành hỏi đáp, thảo luận sôi nổi về các vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại và đưa ra một số câu hỏi về thực tiễn như sau:
Câu 1. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài?
Trả lời: Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như sau:
“Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.”.
Câu 2. Những tranh chấp thương mại như thế nào có thể giải quyết thông qua trọng tài?
Trả lời: Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài gồm:
“Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
Tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
Tranh chấp giữa các bên mà pháp luật được giải quyết bằng trọng tài.”.
Nội dung này cũng được hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.
Câu 3. Hãy cho biết quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Khi đã có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại như có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài theo 6 bước sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo.
Bước 2: Bị đơn nộp bản tự bảo vệ (Điều 35 Luật Trọng tài thương mại năm 2010).
Bước 3: Thành lập Hội đồng trọng tài.
Bước 4: Hòa giải (Điều 58 Luật Luật Trọng tài thương mại năm 2010).
Bước 5: Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp (Điều 55 Luật Trọng tài thương mại năm 2010).
Bước 6: Hội đồng trọng tài ra phán quyết.
Phát biểu kết luận lớp bồi dưỡng, đồng chí Trần Công Lập, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá cao nỗ lực trong công tác tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh để các doanh nghiệp có thể hiểu và áp dụng vào công việc kinh doanh. Đề nghị các đại biểu tham dự sẽ phổ biến, truyền đạt lại, chia sẻ kinh nghiệm đã tích luỹ được thông qua việc tham dự lớp bồi dưỡng với các đồng chí của cơ quan, đơn vị mình không có điều kiện tham dự lớp bồi dưỡng.
Báo cáo viên đã truyền đạt và hướng dẫn cho các học viên các kiến thức cơ bản trong giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại; thực tiễn giải quyết tranh chấp các vụ việc tại một số trung tâm thương mại. Phòng Xây dựng, kiểm tra và the dõi thi hành pháp luật đã tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các học viên về chất lượng tài liệu, báo cáo viên, công tác hậu cần để bổ sung, khắc phục, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng các lớp bồi dưỡng trong thời gian tới./.