Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật, Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 18/9/2020, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật, Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh chuyên đề "Những trường hợp được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định mới của pháp luật và các vấn đề cần quan tâm". Lớp bồi dưỡng được tổ chức thành công, mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho các đại biểu tham dự và cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Lớp bồi dưỡng về Những trường hợp được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định mới của pháp luật đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành có liên quan, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Thực hiện giảng dạy lớp bồi dưỡng là ông Phạm Văn Hồng – Phó Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Lớp bồi dưỡng đã cung cấp kiến thức về các nội dung cụ thể như:
- Thực tiễn áp dụng miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong thời gian qua;
- Những lưu ý trường hợp miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu; nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập;
- Miễn thuế đối với hàng hóa gia công, tái chế, lắp ráp.
- Các trường hợp miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được;
- Miễn thuế đối với các trường hợp khác;
- Các tình huống pháp lý thực tiễn, trao đổi, giải đáp vướng mắc.

Sau khi nghe xong phần giảng dạy của báo cáo viên, các đại biểu tham dự đã sôi nổi đưa ra các câu hỏi, ý kiến của mình để thảo luận giải đáp vướng mắc của mình. Một số câu hỏi được đưa ra trong lớp bồi dưỡng như sau:
Câu hỏi 1:
Công ty có thực hiện nhập khẩu hàng hóa là máy tính xách tay để bán cho khách hàng. Sau khi bán, do gặp một số lỗi nên khách hàng có đem máy đến công ty để bảo hành. Hỏi: trong trường hợp công ty tạm xuất hàng hóa này để bảo hành (có mất phí), sau đó tái nhập thì có được miễn thuế không?
Trả lời:
Căn cứ: khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 có quy định về miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định, trong đó điểm c của điều khoản này có quy định “Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế” là một đối tượng được miễn thuế. Tuy nhiên, để được miễn thuế theo quy định này, hàng hóa phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác.
Căn cứ theo quy định trên, trong trường hợp công ty tạm xuất hàng hóa là máy tính xách ra nước ngoài để thực hiện bảo hành, sau đó tái nhập sẽ được miễn thuế, nhưng lưu ý phải đảm bảo hàng hóa khi thực hiện tạm xuất và sau khi đã được bảo hành xong, thực hiện tái nhập đều không được thay đổi hình dáng, công dụng hay đặc tính cơ bản của hàng hóa so với khi nhập khẩu ban đầu.
Trao đổi thêm:
Vậy nếu công ty thực hiện tạm nhập một số máy móc để sửa chữa bảo hành trong nước sẽ được miễn thuế?
Trả lời:
Trường hợp tạm nhập máy móc, thiết bị để sửa chữa sau đó tái xuất thuộc trường hợp tạm nhập máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp để phục vụ công việc trong một thời hạn nhất định - đây là một trong những đối tượng được miễn thuế, tuy nhiên phải đảm bảo các quy định tại điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Theo đó, điều khoản này quy định: “Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất”.
Như vậy, để được miễn thuế, doanh nghiệp khi tạm nhập tái xuất hàng hóa là máy móc, thiết bị để sửa chữa chỉ được tạm nhập trong một thời hạn nhất định. Thời hạn lưu giữ đối với hàng hóa tạm nhập thực hiện theo quy định của Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP (từ ngày 15/05/2018 là Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP) và khoản 4 Điều 82 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Nếu doanh nghiệp không tái xuất hàng hóa trong thời hạn quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

 Câu hỏi 2:
Trong trường hợp hàng hóa tạm nhập tái xuất là đối tượng miễn thuế thì có bắt buộc phải thực hiện tái xuất tại đúng cửa khẩu đã tạm nhập không?
Trả lời:
Pháp luật hiện hành không có quy định nào bắt buộc phải tạm nhập tái xuất hàng hóa miễn thuế tại cùng một cửa khẩu. Theo quy định tại khoản 6 Điều 82 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC, doanh nghiệp có thể tạm nhập tại một cửa khẩu nhưng tái xuất tại một cửa khẩu khác. Trường hợp này, người khai hải quan/người vận chuyển phải khai báo vận chuyển cho cơ quan hải quan.
Câu hỏi 3:
Trường hợp công ty nhập khẩu một lô hàng hóa. Sau khi nhập về, thực hiện mở hàng hóa ra mới phát hiện hàng bị móp méo, không đảm bảo hình dạng ban đầu. Lúc này công ty muốn thực hiện tạm xuất, tái nhập để thay thế hàng hóa ban đầu có được miễn thuế không?
Trả lời:
Về nguyên tắc, tạm xuất tái nhập hàng hóa để thay thế thuộc trường hợp được miễn thuế. Tuy nhiên, như đã nêu trên, hàng hóa tạm xuất, tái nhập không được thay đổi hình dáng, công dụng hay đặc tính cơ bản của hàng hóa. Nên trong trường hợp đơn vị đã thực hiện mở gói hàng, hàng hóa bị thay đổi hình dạng việc chứng minh sẽ phức tạp hơn. Đơn vị cần mời bên thứ ba chứng kiến, xác nhận (có thể là cơ quan hải quan hoặc cơ quan giám định) việc hàng hóa bị thay đổi hình dạng không phải do sử dụng, vẫn nguyên kiện hàng hóa như ban đầu.
Câu hỏi 4:
Đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng: Công ty được đối tác nước ngoài gửi quà tặng khoảng hơn 20 cây bút viết. Đây là quà biếu, quà tặng của tổ chức nước ngoài cho tổ chức Việt Nam. Tuy nhiên, khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan định giá hàng hóa mỗi chiếc bút là hơn 20 EURO nên không được miễn thuế. Xin hỏi, trường hợp này công ty không được miễn thuế là đúng hay sai?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định:“Tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại” là đối tượng được miễn thuế. Tuy nhiên, không phải mọi hàng hóa là quà biếu, quà tặng đều được miễn thuế, mà phải đáp ứng đồng thời những điều kiện được quy định tại Điều 8 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, cụ thể:
 - Thứ nhất, đó phải là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam; hoặc của tổ chức, cá nhân Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Nếu là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân Việt Nam cho tổ chức, cá nhân Việt Nam khác sẽ không được miễn thuế.
- Thứ hai, hàng hóa là quà biếu, quà tặng phải không thuộc Danh mục mặt hàng cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, không thuộc danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ trường hợp quà biếu, quà tặng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng).
- Thứ ba, trị giá hải quan của hàng hóa phải nằm trong định mức miễn thuế: không vượt quá 2.000.000 đồng hoặc trên 2.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 200.000 đồng (đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam); không vượt quá 30.000.000 đồng (đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức Việt Nam được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động hoặc vì mục đích nhân đạo, từ thiện).
Trong trường hợp của đơn vị, hàng hóa là quà biếu, quà tặng chỉ đáp ứng được hai điều kiện đầu. Đối với điều kiện về định mức, do hàng hóa có trị giá trên mức 2.000.000 đồng nên không được miễn thuế, cơ quan hải quan yêu cầu đơn vị nộp thuế là chính xác.
Câu hỏi 5:
Luật quy định để được miễn thuế thì hàng hóa đó phải là quà biếu, quà tặng của “tổ chức, cá nhân nước ngoài” cho “tổ chức, cá nhân Việt Nam”. Vậy như thế nào được xác định là “cá nhân nước ngoài”, ngoài trường hợp cá nhân có quốc tịch nước ngoài? Trường hợp cá nhân Việt Nam đang ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch nước ngoài, không thường trú ở nước ngoài, chỉ sinh sống khoảng 3-5 năm (ví dụ như đi xuất khẩu lao động) gửi quà biếu, quà tặng cho cá nhân Việt Nam thì có được miễn thuế không?
Trả lời:
Bản chất quy định miễn thuế đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng trên phương diện có hoạt động xuất khẩu ra/ nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, khi quy định hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân nước ngoài cho cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại được miễn thuế thì không chỉ là cá nhân có quốc tịch nước ngoài mà trong trường hợp đó là cá nhân Việt Nam đang sống/làm việc tại nước ngoài gửi quà biếu, quà tặng cho cá nhân, tổ chức trong nước thì vẫn được miễn thuế.
 Câu hỏi 6:
Công ty tôi là đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản. Chúng tôi có ký kết hợp đồng nhập khẩu một số hàng hóa là vật tư xây dựng. Thời điểm ký hợp đồng, những mặt hàng đó trong nước chưa sản xuất được. Tuy nhiên, do việc sản xuất theo đơn đặt hàng mất nhiều thời gian, khoảng hơn 01 năm sau chúng tôi mới thực hiện nhập khẩu hàng hóa. Lúc này, loại vật tư chúng tôi nhập khẩu trong nước đã sản xuất được, nên khi khai hải quan, cơ quan hải quan xác định hàng hóa này của công ty tôi không được miễn thuế. Vậy xin hỏi, thời điểm xác định “hàng hóa trong nước chưa sản xuất được” căn cứ vào thời điểm ký hợp đồng nhập khẩu hay thời điểm khai tờ khai hải quan?
Trả lời:
Khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Điều 14 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư  được miễn thuế. Việc xác định đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư căn cứ theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, không phải mọi hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định sẽ được miễn thuế, mà chỉ áp dụng đối với những hàng hóa thuộc một trong ba nhóm sau: (i) Máy móc, thiết bị; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị; (ii) Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án; (iii) Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.Căn cứ để xác định vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà cụ thể là đối chiếu với Danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được tại Phụ lục III Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT.
Theo thông tin bạn cung cấp, công ty của bạn là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản, đây là ngành nghề ưu đãi đầu tư nên công ty thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Công ty có nhập khẩu hàng hóa là vật tư xây dựng để tạo tài sản cố định cho đơn vị, nếu loại vật tư này trong nước chưa sản xuất được thì sẽ đáp ứng điều kiện miễn thuế.
Trước khi khai hải quan, công ty phải thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế gửi đến cơ quan hải quan để làm cơ sở khai báo các loại hàng hóa nhập khẩu. Nhưng đây là sự đăng ký của doanh nghiệp đối với cơ quan chức năng, còn việc quyết định hàng hóa nhập khẩu có được miễn thuế không phải căn cứ theo quy định của pháp luật.
Theo nguyên tắc tính thuế thì thời điểm xác định hàng hóa trong nước đã sản xuất được hay chưa được dựa vào thời điểm khai tờ khai hải quan, vì lúc này mới là căn cứ phát sinh hoạt động nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam (có thể xem khoản 2 Điều 8 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 đã quy định “Thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan”). Do vậy, trường hợp khi công ty ký hợp đồng và thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế, vật tư nhập khẩu là hàng hóa trong nước chưa sản xuất được, nhưng thời điểm khai tờ khai hải quan, vật tư đó trong nước đã sản xuất được, có trong danh mục do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thì mặt hàng đó không được xác định là “trong nước chưa sản xuất được” và vẫn phải chịu thuế.
Câu hỏi 7:
Công ty tôi là công ty sản xuất bao bì có nhà xưởng tại KCN Tân Đô, Long An. Hiện nay, chúng tôi có nhu cầu nhập khẩu một số tài sản cho nhà xưởng như xe ô tô loại 24 chỗ để đưa đón công nhân viên; hệ thống camera giám sát. Xin hỏi trường hợp này, công ty có được miễn thuế nhập khẩu không?
Trả lời:
Hai mặt hàng mà công ty có nhu cầu nhập khẩu là những hàng hóa để tạo tài sản cố định, trong đó xe ô tô là phương tiện vận tải, còn camera là thiết bị. Do vậy, để xác định việc nhập khẩu các loại hàng này có được miễn thuế không phải căn cứ quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Điều 14 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.
Trước hết, khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu nêu rõ việc miễn thuế được áp dụng cho “Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định củađối tượng được hưởngưu đãi đầu tư” và “Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại Khoản này được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng”. Như vậy, phải xác định công ty của bạn có thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư không? Đó có phải dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng không? Trường hợp của công ty bạn là công ty sản xuất bao bì – đây không phải là ngành nghề ưu đãi đầu tư, nhưng do nhà xưởng nằm trong khu công nghiệp thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư nên trường hợp này thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, công ty và nhà xưởng đều đã đi vào hoạt động không phải dự án đầu tư mới, nên cần xác định việc tạo tài sản cố định cho nhà xưởng có theo dự án đầu tư mở rộng không? Nếu công ty có dự án đầu tư mở rộng, cải tiến nhà xưởng thì sẽ xem xét các hàng hóa nhập khẩu có đáp ứng điều kiện miễn thuế không; nếu đó không phải dự án đầu tư mở rộng, thì hàng hóa nhập khẩu trên không được miễn thuế.
Trường hợp là dự án đầu tư mở rộng, hàng hóa dự định nhập khẩu gồm hai loại là hệ thống camera giám sát và xe ô tô.
- Đối với mặt hàng camera giám sát: Đây được coi là thiết bị phù hợp với quy định tại điểm a khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, do dự án của công ty chỉ thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư và không thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư nên theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, chỉ những “hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định phục vụ sản xuất của dự án ưu đãi đầu tư” mới được miễn thuế. Có thể thấy, hệ thống camera giám sát không phục vụ trực tiếp cho sản xuất mà phục vụ cho hoạt động quản lý của doanh nghiệp nên không được miễn thuế.
- Đối với xe ô tô loại 24 chỗ: Theo quy định của điểm b khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, phương tiện nhập khẩu được miễn thuế là “Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án”. Tiêu chí xác định phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Vì vậy, để xác định xe ô tô loại 24 chỗ trên có được miễn thuế không phải căn cứ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Thông tư số 14/2017/TT-BKHCN. Ở đây, phương tiện vận tải mà công ty nhập khẩu chỉ có chức năng vận tải thông thường thì sẽ không được xác định là phương tiện vận tải chuyên dùng và không được miễn thuế.
Câu hỏi 8:
Công ty tôi là công ty có vốn đầu tư nước ngoài và có xây dựng phòng Lab. Hoạt động sử dụng phòng Lab dẫn đến có nước thải, vì vậy, công ty đã nhập khẩu máy để xử lý nước thải. Hỏi: trường hợp này công ty có được miễn thuế không?
Trả lời:
Khoản 19 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định những trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường được miễn thuế gồm: (i) Máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để thu gom, vận chuyển, xử lý, chế biến nước thải, rác thải, khí thải, quan trắc và phân tích môi trường, sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó, xử lý sự cố môi trường. (ii) Sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.
Như vậy, máy móc công ty nhập khẩu để xử lý chất thải phải là máy móc vật tư chuyên dùng và trong nước chưa sản xuất được. Việc xác định máy móc trong nước chưa sản xuất được căn cứ vào Danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được theo Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT. Việc xác định máy xử lý nước thải mà công ty nhập khẩu có phải là máy móc chuyên dùng không được thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ vật tư chuyên dùng để bảo vệ môi trường, do đó, đơn vị phải liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn.
Câu hỏi 9:
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài có được thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ không? Công ty tôi có ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa là linh kiện để lắp ráp thành sản phẩm xuất khẩu cho một doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, đối tác nước ngoài bán linh kiện cho chúng tôi lại chỉ định một đơn vị khác trong nước giao hàng. Trường hợp này chúng tôi có được miễn thuế đối với linh kiện nhập khẩu từ đơn vị trong nước do đối tác nước ngoài chỉ định không?
Trả lời:
Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại chỗ. Theo đó, không có quy định nào giới hạn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện xuất nhập khẩu tại chỗ. Vì vậy, công ty có vốn đầu tư nước ngoài vẫn thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ như thông thường.
Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện trực tiếp từ đối tác nước ngoài để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế đối với linh kiện nhập khẩu đó vì đây là hàng hóa thuộc trường hợp miễn thuế “nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu”. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện từ một đơn vị trong nước do đối tác nước ngoài chỉ định – tức thực hiện “nhập khẩu tại chỗ” thì doanh nghiệp không được miễn thuế, bởi: Theo Công văn số 4138/TCHQ-TXNK ngày 25/06/2019, “doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để gia công sản xuất hàng hóa xuất khẩu, sau đó xuất trả, bán sản phẩm được gia công, sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài nhưng được thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam (xuất khẩu sản phẩm theo loại hình xuất khẩu tại chỗ) được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa đã xuất khẩu tại chỗ”. Như vậy, pháp luật chỉ cho phép miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong trường hợp “xuất khẩu tại chỗ”, còn “nhập khẩu tại chỗ” vẫn phải chịu thuế.
Câu hỏi 10:
Công ty tôi có nhập khẩu một số nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (phụ kiện trang trí trang phục). Sau khi nhập khẩu, chúng tôi có thuê một đơn vị khác thực hiện việc gia công (thêu, đính chi tiết lên trang phục). Hỏi: trường hợp này công ty có được miễn thuế đối với nguyên vật liệu nhập khẩu theo trường hợp gia công lại không?
Trả lời:
Hàng hóa nhập khẩu được gia công theo hoạt động gia công lại được miễn thuế chỉ trong trường hợp bên thuê gia công lại cũng là bên nhận gia công hàng hóa sau đó xuất khẩu theo hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài. Trong trường hợp này, công ty không phải là đơn vị gia công hàng hóa để xuất khẩu theo hợp đồng gia công mà là đơn vị sản xuất hàng hóa để xuất khẩu. Do đó, việc thuê một đơn vị khác gia công không phải là “gia công lại” mà là thuê “sản xuất lại”, vì hoạt động gia công thêu, đính chi tiết lúc này là một công đoạn của quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Ở đây, công ty không phải là chủ sở hữu đơn vị “sản xuất lại” mà phải thuê nên những phụ kiện nhập khẩu mà công ty thuê bên thứ ba “sản xuất lại” sẽ không được miễn thuế.
Căn cứ: Điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định một trong những cơ sở để xác định hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế là: “Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu có cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực hiện thông báo cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan”. Nói cách khác, tổ chức, cá nhân có hàng hóa xuất khẩu phải trực tiếp sản xuất hàng hóa hoặc là chủ sở hữu đơn vị thực hiện sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Nếu tổ chức cá nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu thực hiện nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, sau đó thuê đơn vị khác thực hiện một hoặc một vài công đoạn của quá trình sản xuất hàng hóa thì sẽ không được miễn thuế.
Câu hỏi 11:
Công ty có một số tài sản cố định là đối tượng miễn thuế. Nhưng hiện nay do tài sản đã cũ, đơn vị muốn thanh lý để nhập khẩu tài sản khác thay thế thì phải thực hiện thủ tục như thế nào? Có phải nộp lại số thuế đã miễn không?
Trả lời:
Căn cứ: khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 59/2018/NĐ-CP; Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Cụ thể:
* Về thủ tục: Về nguyên tắc, tổ chức, cá nhân phải sử dụng hàng hóa là đối tượng miễn thuế theo đúng mục đích đã kê khai. Theo quy định của khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, trong các trường hợp: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc được miễn thuế, đã được giải phóng hàng và thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập – tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì khi có thay đổi phải khai tờ khai hải quan mới.
Từ quy định trên có thể thấy, trường hợp đơn vị có tài sản cố định là đối tượng miễn thuế, nay thực hiện chuyển nhượng cho công ty khác là đã có sự thay đổi thì công ty phải khai tờ khai hải quan mới.
Hồ sơ khai hải quan gồm có: Tờ khai hải quan trong đó ghi rõ hình thức chuyển mục đích sử dụng và số tờ khai hải quan ban đầu (trừ trường hợp từ thời điểm nhập khẩu hàng hóa là đối tượng miễn thuế đến thời điểm thay đổi mục đích đã quá 05 năm); bản chụp hợp đồng mua bán hàng hóa là đối tượng miễn thuế; nếu bên nhận chuyển nhượng là đối tượng phải thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế mà chưa thực hiện thì phải thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế cho cơ quan hải quan. Ngoài ra, tùy từng trường hợp người khai còn phải nộp: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa; Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành.
Doanh nghiệp phải lưu ý thực hiện kê khai, nếu không khai tờ khai hải quan mới sẽ bị ấn định số tiền thuế phải nộp, nộp tiền chậm nộp và bị xử phạt vi phạm hành chính.
* Về xác định nghĩa vụ thuế: Trong trường hợp thực hiện chuyển nhượng, việc xác định nghĩa vụ thuế theo từng trường hợp như sau:
- Đối với bên chuyển nhượng: không phải nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa chuyển nhượng với điều kiện giá chuyển nhượng không bao gồm thuế nhập khẩu (tuy nhiên lưu ý: phải thực hiện thông báo cho cơ quan hải quan nơi tiếp nhận thông báo Danh mục miễn thuế trước đây hoặc cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai ban đầu về việc chuyển nhượng hàng hóa). Nếu giá chuyển nhượng bao gồm thuế nhập khẩu thì phải nộp thuế.
- Đối với bên nhận chuyển nhượng: Trường hợp bên nhận chuyển nhượng thuộc diện không chịu thuế hoặc được miễn thuế thì không phải nộp thuế (đồng thời trừ lùi vào Danh mục hàng hóa miễn thuế của bên nhận chuyển nhượng nếu hàng hóa thuộc đối tượng phải thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế). Trường hợp bên nhận chuyển nhượng thuộc diện chịu thuế thì phải nộp thuế.
Câu hỏi 12:
Báo cáo viên vừa trình bày theo Quyết định của Bộ Tài chính thì khẩu trang y tế và nước rửa tay sát trùng được nhập khẩu để phòng chống dịch Covid-19 là mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, vừa qua, công ty tôi có nhập khẩu khẩu trang y tế và nước rửa tay sát trùng nhưng không được miễn thuế. Xin hỏi như vậy có đúng không?
Trả lời:
Theo Quyết định số 155/QĐ-BTC ngày 07/02/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 436/QĐ-BTC ngày 27/03/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, không phải mọi loại khẩu trang y tế và nước rửa tay sát trùng đều được miễn thuế nhập khẩu. Chỉ những mặt hàng nào đảm bảo tiêu chí được quy định tại danh mục được ban hành tại hai quyết định này mới được miễn thuế. Theo đó, đối với khẩu trang y tế phải là loại có số lưu hành do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp; đối với nước rửa tay sát trùng phải là loại có số đăng ký lưu hành do Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp mới là đối tượng miễn thuế.
Vì vậy, đơn vị cần về rà soát, đối chiếu mặt hàng nhập khẩu của mình có đáp ứng được các điều kiện trên hay không. Nếu không đáp ứng thì sẽ không được miễn thuế.
Ngoài ra, khi kê khai, doanh nghiệp phải lưu ý mở tờ khai phù hợp để cơ quan hải quan có căn cứ giải quyết. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu là khẩu trang y tế, nước rửa ta thì phải mở tờ khai A11 (loại hình tờ khai tiêu dùng); trường hợp hàng hóa là nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, vải không dệt để sản xuất khẩu trang y tế thì phải mở tờ khai A12 (loại hình tờ khai sản xuất).
Chậm nhất 60 ngày kể từ ngày có văn bản của cấp có thẩm quyền công bố hết dịch, doanh nghiệp nhập khẩu phải báo cáo với cơ quan hải quan nơi nhập khẩu tình hình sử dụng hàng nhập khẩu miễn thuế.