Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực tổ chức lớp bồi dưỡng về xu hướng kinh doanh của kỷ nguyên công nghệ số tại tỉnh Bắc Giang

Ngày 19/6/2020 Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp) đã tổ chức lớp bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về xu hướng kinh doanh của kỷ nguyên công nghệ số tại tỉnh Bắc Giang. Lớp bồi dưỡng được thực hiện với sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình 585.

Tại lớp bồi dưỡng, chuyên gia Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương đã có những chia sẻ về các nội dung cần lưu ý liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: giới thiệu về các vấn đề pháp lý liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nền kinh tế thị trường (thuận lợi, thách thức) và hệ thống pháp luật; cơ hội cho các doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các lưu ý về khía cạnh pháp lý; các ngành nghề kinh doanh được ưa chuộng và các lưu ý về khía cạnh pháp lý trong kỷ nguyên công nghệ số.

                                                                 Chuyên gia Phan Đức Hiếu trả lời vướng mắc của doanh nghiệp tại lớp bồi dưỡng
Ngoài các nội dung về lý thuyết nêu trên, chuyên gia cũng tiếp nhận và trả lời các vướng mắc của các doanh nghiệp, cụ thể:
Tình huống 1:
Nội dung:
- Tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý ở Trung Quốc (ở cấp Trung ương, tỉnh, huyện) có đặt các robot có chức năng hỏi đáp, tư vấn pháp luật đơn giản.
Vấn đề đặt ra:
- Giá trị pháp lý của các kết quả hỏi đáp, tư vấn của robot được xác định như thế nào?
- Trách nhiệm bồi thường ra sao nếu các kết quả trên bị sai, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân?
Giải pháp - Bài học kinh nghiệm:
- Đây là vấn đề rất mới tại Việt Nam, hiện pháp luật chưa điều chỉnh. Nếu có thì cần phải sửa đổi, bổ sung các pháp luật liên quan cho phù hợp: pháp luật về dân sự, trợ giúp pháp lý…
Tình huống 2:
Nội dung:
Tại Hoa Kỳ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình ra quyết định quản lý (ví dụ, ra các quyết định nhận diện về việc một cư dân nào đó có cần sự hỗ trợ đặc biệt từ phía chính quyền trong các chương trình an sinh xã hội, phòng chống bạo lực gia đình v.v.) cũng đã được đặt ra.
Riêng trong lĩnh vực tư pháp, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng đang được bàn luận, nhất là việc tìm kiếm các án lệ tương đồng để phục vụ việc xử lý một vụ việc.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo phục vụ việc ra quyết định chưa thực sự phổ biến (ngoại trừ các phần mềm hỗ trợ tìm kiếm thông tin pháp lý). Lý do là, việc ứng dụng phương thức học máy (machine learning) trong trí tuệ nhân tạo thông qua thuật toán dựa vào dữ liệu quá khứ. Bản thân các dữ liệu quá khứ mang trong mình những định kiến (bias) của người tạo ra dữ liệu.
Vấn đề đặt ra:
Chính vì vậy, nếu dựa vào trí tuệ nhân tạo, có thể người ra quyết định sẽ bị định kiến theo và quá trình ra quyết định trở nên thiếu chính xác. Đây là vấn đề mà các phần mềm trí tuệ nhân tạo gặp phải và chưa dễ khắc phục.
Giải pháp - Bài học kinh nghiệm:
Đây là vấn đề rất mới tại Việt Nam, hiện pháp luật chưa điều chỉnh. Nếu có thì cần phải sửa đổi, bổ sung các pháp luật liên quan cho phù hợp: pháp luật về tố tụng và nội dung (dân sự, hành chính, hình sự…).
Cá nhân, tổ chức quan tâm có thể tải file tài liệu đính kèm tham khảo.
Phạm Nguyệt Hằng